Vì sao công chức ít cười?: Dân tốt hết thì cần gì chính quyền

Chúng ta không thể nói một chiều là cán bộ “hành” dân hay dân làm phiền cán bộ. Điều cơ bản là phải xem nguyên nhân từ mỗi bên là gì.

Có khuyết điểm phải bị xử lý

Về phía cán bộ, ta phải xem cơ chế nào tạo ra khả năng làm cho anh cán bộ có thể “hành” dân. Nó phải đi từ mối quan hệ là ai cần ai. Khi người dân cần đến cán bộ để giải quyết cái gì đó mà anh cán bộ thiếu phẩm chất, năng lực thì tự nhiên anh ta sẽ hình thành một cái tác phong cửa quyền, hách dịch, bực bội với dân. Nếu một cán bộ có đầy đủ phẩm chất đạo đức, biết kiềm chế, có văn hóa thì người ta có thể chịu đựng được.

Thực ra cán bộ ở các nước khác họ cũng gặp những chuyện như ở mình nhưng nước họ có cơ chế pháp luật rất rõ ràng. Ví dụ, họ quy định một công chức nếu bị tố cáo gì đó hoặc có thái độ không tốt với dân thì có thể mất việc ngay lập tức. Còn ở ta, khẩu hiệu thì có thừa, nào là “Nụ cười công chức”, “Lấy dân làm gốc”, “Do dân vì dân”... nhưng khi cán bộ có khuyết điểm với dân thì cũng không bị trừng trị. Cơ chế ấy làm cho tỉ lệ cán bộ không tốt với dân tăng lên.

Vì sao công chức ít cười?: Dân tốt hết thì cần gì chính quyền ảnh 1

Còn về phía người dân thì gồm đủ thành phần, có trình độ dân trí cao thấp khác nhau. Khi một người có trình độ dân trí thấp, họ không hiểu biết về pháp luật nên công việc không được như ý khi họ nổi nóng cũng là chuyện bình thường. Chúng ta không thể đòi hỏi tất cả người dân đều có văn hóa ứng xử (tốt) như nhau mà chính vì dân như thế nên mới cần phải có chính quyền, chứ dân tốt hết rồi thì không cần đến chính quyền nữa.

Tiếp dân phải là người có thẩm quyền

Theo tôi, không thể nói dân xấu mà vấn đề là thái độ và bản lĩnh của người cán bộ như thế nào chứ không phải là ý thức người dân thế nào.

Hiện nay có tình trạng đưa những công chức bình thường làm công tác tiếp dân. Việc đưa cán bộ tiếp dân nhưng không có quyền hành để giải quyết cho dân, chỉ ngồi ghi chép và tiếp thu thì dễ làm người dân cảm thấy không hài lòng, bởi người dân chỉ thấy là cán bộ tiếp dân mà không giải quyết được vụ việc cụ thể cho họ. Do đó phải đổi mới điều này, tức là phải có cán bộ đủ trách nhiệm, quyền hạn để giải quyết những ý kiến của người dân. Chứ còn như hiện nay thì tâm lý người dân sẽ chỉ thấy chính quyền không tôn trọng họ, đưa một người không biết gì ra tiếp họ.

Tôi không nói là dân tốt hết nhưng đương nhiên dân là như vậy. Không phải người dân có ý thức cố tình gây rối, làm khó cho chính quyền mà do nhận thức hạn chế và sự tích lũy những bực bội của nhiều lần tiếp xúc với cơ quan chính quyền trước đó nên mới có việc lớn tiếng quát mắng cán bộ. Tuy nhiên, đây cũng là những chuyện ít ỏi chứ không phải hiện tượng xã hội.

Điều quan trọng là thái độ xử lý của cán bộ công chức trước những tình huống đó như thế nào. Nếu cán bộ có thái độ ân cần trả lời lý do cho người dân về sự chậm trễ, thiếu sót nào đó thì dễ nhận được sự đồng cảm hơn. Còn nếu hành vi của người dân quá đáng đến cái ngưỡng hành vi phạm pháp thì lúc đó bắt buộc phải xử trí theo pháp luật.

Dân gian có câu “con sâu làm rầu nồi canh”, một cán bộ xấu làm ảnh hưởng đến những cán bộ khác. Nói cách khác là người dân bị người cán bộ này hành thì người ta lại dồn những bực dọc và đổ lỗi lên anh cán bộ khác. Tâm lý ấy rất phổ biến ở người dân mà ta không thể trách được.

Dân cần đúng hẹn hơn nụ cười vô hồn

Công chức cũng là một con người bình thường. Anh ta cũng có những nhu cầu, những mối quan hệ xã hội, những cung bậc cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố như mọi người. Tuy nhiên, lao động của công chức là loại hình lao động đặc biệt, vì thế nó phải được điều chỉnh một cách đặc biệt, không thể đồng nhất với các loại hình lao động khác. Muốn làm công chức phải chấp nhận “luật chơi nghiêm khắc” hơn. Vấn đề còn lại ở đây là chế độ đãi ngộ vật chất cũng như tinh thần phải tương xứng với “luật chơi nghiêm khắc” đó để bảo đảm thu hút lao động giỏi vào cơ quan công quyền.

Pháp lệnh Cán bộ, công chức hiện hành và tới đây là Luật Cán bộ, công chức đều quy định những việc cán bộ, công chức không được làm nhưng còn khá chung chung. Theo tôi, dù có luật rồi nhưng nếu không có một Quy định về hoạt động công vụ thì việc xây dựng một nền hành chính có hiệu lực, hiệu quả cũng không thể thực hiện được. Ngoài ra, những nguyên tắc đạo đức trong nền công vụ cũng cần được nghiên cứu để luật hóa.

Khi hoạt động công vụ đi vào nề nếp, khi mọi giao tiếp giữa cơ quan công quyền với công dân và doanh nghiệp được thực hiện đúng luật, đúng hẹn với sự thay đổi tư duy từ một nền hành chính “cai trị” sang “phục vụ” thì người dân sẽ thỏa mãn hơn. Đấy chính là những điều người dân cần chứ không phải là những nụ cười vô hồn nở trên môi của những con người vô cảm trước những bức xúc của dân!

DIỆP VĂN SƠN

Nỗi niềm công chức

Anh Nguyễn Trọng Bằng,Tổ trưởng Tổ tiếp nhận và trả kết quả (quận Bình Thạnh):

Trung bình một ngày tôi phải tiếp xúc với khoảng 100 lượt người dân đến giải quyết công việc. Tôi muốn mình lịch sự với người dân thì người dân cũng tôn trọng mình. Tôi tiếp người dân làm sao để họ cảm thấy vui vẻ thì họ đến với tôi cũng phải thể hiện sự bình đẳng chứ không thể nói “anh là cán bộ nhà nước thì anh phải phục vụ tôi mà tôi muốn làm gì, nói gì cũng được”.

Anh Lê Văn Quang,Tổ trưởng Tổ tiếp công dân (quận Bình Thạnh):

Tôi muốn người dân tới đây hiểu được cán bộ tiếp dân không phải là người thụ lý giải quyết hồ sơ. Vì vậy, họ không nên có thái độ quá gay gắt với mình. Là cán bộ nhà nước thì việc tôn trọng, giải quyết các công việc của người dân vẫn là trên hết. Tuy nhiên, trong lời lẽ khi giao tiếp mình cũng muốn được tôn trọng lại chứ mình có phải là tội phạm đâu mà họ lại đối xử nặng lời với mình.

Tiến sĩ NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm