Chỉ vì các cơ quan không tin nhau
Có một thực tế tồn tại đã lâu nhưng chưa được khắc phục: đó là không cơ quan nào tin cơ quan nào và mạnh ai nấy buộc người dân nộp đủ thứ giấy tờ. Thay vì đề nghị dân bổ sung từ đầu, các công chức thường đợi đến ngày hẹn trả kết quả mới đòi này đòi nọ. Gặp những tình huống ngoài dự kiến này, trách sao người dân không đổ quạu với cán bộ, công chức!
Lấy trường hợp của tôi làm dẫn chứng. Tôi có mua căn nhà của một công ty cổ phần, đã được công chứng, trước bạ nhưng đến khâu đăng bộ lại bị ách. Được hẹn trả kết quả vào ngày 4-11 nhưng đến ngày 10-11 thì tôi nhận được văn bản của Phòng Tài nguyên và Môi trường quận yêu cầu tôi phải bổ sung bản sao y giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bản chính biên bản họp hội đồng quản trị của công ty. Trong văn bản, phòng không nêu căn cứ, lý do đòi hai giấy đó. Nhưng qua tìm hiểu thì tôi được biết họ muốn có cơ sở xác định người đứng tên bán nhà (là giám đốc công ty) có đủ tư cách để ký hợp đồng bán nhà hay không. Tuy nhiên, việc này đã được cơ quan công chứng làm rồi và phía công ty đã nộp đầy đủ hai giấy đó trong hồ sơ công chứng. Chính vì thế, trên hợp đồng mới ghi “đại diện pháp nhân là...”.
Nếu được hướng dẫn tận tình, người dân đỡ phải đi tới đi lui nhiều lần khi làm thủ tục hành chính. Ảnh: HTD
Vì sao Phòng Tài nguyên và Môi trường quận không căn cứ vào hợp đồng công chứng để đăng bộ? Chắc rằng họ không có ý hành những người dân như tôi. Chẳng qua họ muốn tự mình thẩm tra cho chắc chắn và không muốn chịu trách nhiệm về những sai sót (nếu có) của cơ quan khác. Nhưng đòi hỏi trên quả là gây phiền hà vì người mua như tôi làm gì có! Vậy nên tôi đã phải mất năm ngày liên hệ, chờ đợi mới có được hai giấy theo yêu cầu và phải chờ thêm nửa tháng nữa mới được đăng bộ.
Theo tôi, một bộ hồ sơ mua bán nhà phải tuần tự qua nhiều khâu và nếu khâu nào cũng bắt dân nộp hàng đống giấy tờ thì chua quá. Nên chăng có sự kế thừa, khâu đầu tiên cần hết sức chặt chẽ, các khâu sau đó cứ căn cứ vào kết quả giải quyết của khâu trước để xử lý. Trường hợp phát hiện có sai sót thì sai sót ở khâu nào, khâu đó chịu trách nhiệm. Được vậy, thời gian giải quyết mới đảm bảo đúng hẹn, công chức và người dân đỡ bực mình lẫn nhau.
VĂN PHONG (Quận 3)
Đến phút chót mới buộc bổ sung
Khi số lượng công việc quá nhiều, đúng là công chức không thể cười tươi với dân. Nhưng trong nhiều trường hợp, nếu cố gắng thu xếp, công chức vẫn có thể giúp dân không nổi giận.
Ngày 10-11, tôi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 6 theo giấy hẹn để nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Sau khi bắt tôi đợi gần một tiếng đồng hồ, cô nhân viên yêu cầu tôi đợi thêm chút nữa vì chưa tìm thấy hồ sơ của tôi (?). Lát sau, cô nhân viên khác kêu tôi đi xin công an phường xác nhận “hai CMND là của một người” (vì tôi vừa làm lại CMND theo hộ khẩu mới). Hỏi “Lúc nhận hồ sơ sao không yêu cầu bổ sung?”, cô bảo: “Tôi không nhận hồ sơ này”. Hỏi “Sao không gọi điện thoại báo bổ sung mà đợi đến ngày hẹn mới báo?”, cô đáp: “Tôi không có số của anh” (trong khi số điện thoại của tôi có trong hợp đồng mua bán nhà). Cuối cùng, sau khi đợi gần hết buổi sáng tôi mới có giấy hẹn khác ghi ngày 19-11.
Thiết nghĩ các bộ phận nên tổ chức công việc sao thật khoa học, hợp lý, cố gắng hướng dẫn cặn kẽ, tránh cho người dân phải đi lại nhiều lần, dễ dẫn đến hiểu lầm, dễ nổi nóng. Lúc đó, dẫu công chức không nở nụ cười thì dân cũng không chê trách.
ĐẶNG VĂN KHA (Nguyễn Văn Luông, quận 6, TP.HCM)