Nhờ mang thai hộ, giấy khai sinh con ghi tên ai?

(PLO)- Tên của vợ chồng nhờ mang thai hộ là tên của cha và mẹ đứa trẻ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vợ chồng tôi lấy nhau đã 10 năm nhưng chưa có con. Tuy đã chạy chữa nhiều lần nhưng không có kết quả. Xin hỏi vợ chồng tôi muốn nhờ người thân mang thai hộ có được không? Nếu trong trường hợp mang thai hộ thì giấy khai sinh ghi tên cha mẹ hay người mang thai hộ, thưa luật sư?

Bạn đọc Nguyễn Huyền (TP.HCM)

Luật sư Phùng Huyền, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời:

Đầu tiên, mang thai hộ không phải là hành vi vi phạm pháp luật, nếu việc mang thai hộ là vì mục đích nhân đạo.

Căn cứ theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Thứ hai, căn cứ theo Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình, việc mang thai hộ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

- Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

+ Vợ chồng đang không có con chung;

+ Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Đối với người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;

+ Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;

+ Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;

+ Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;

+ Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

- Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Như vậy, việc vợ chồng bị hiếm muộn có thể nhờ người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và phải đảm bảo đủ các điều kiện được nêu tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình.

Luật sư Phùng Huyền, Đoàn Luật sư TP.HCM giải đáp thắc mắc về việc nhờ mang thai hộ
Luật sư Phùng Huyền, Đoàn Luật sư TP.HCM.

Về việc ghi tên cha mẹ trên giấy khai sinh đối với trường hợp mang thai hộ pháp luật quy định như sau:

Thứ nhất, về việc xác định cha mẹ con, Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình quy định con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra. Như vậy, đứa trẻ chính là con của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ

Thứ hai, về việc ghi nhận tên cha mẹ trên giấy khai sinh, Điều 16 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch quy định phần khai về cha, mẹ của trẻ được xác định theo cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Như vậy tên của vợ chồng nhờ mang thai hộ sẽ được xác định là tên của cha và mẹ đứa trẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm