Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán KBSV đánh giá, chín tháng đầu năm 2022, mục tiêu ưu tiên của Việt Nam là bình ổn lạm phát nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nỗ lực kiểm soát tỉ giá nhằm hạn chế hiện tượng nhập khẩu lạm phát.
Tuy nhiên để làm được điều này, trên thực tế, NHNN đã phải bán một lượng lớn USD ra hệ thống ngân hàng thương mại, ước tính vào khoảng 24 tỉ USD nhằm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của thị trường. Việc này khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm nên dư địa chính sách cũng bị hạn chế hơn trước.
Trước đó, NHNN cũng đã tăng lãi suất cũng nhằm duy trì ổn định tỉ giá. Ngày 17-10 vừa qua, NHNN quyết định điều chỉnh biên độ tỉ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5% so với tỉ giá trung tâm.
"Việc NHNN nới rộng biên độ tỷ giá lần này phần nhiều mang tính chất can thiệp kỹ thuật, từ đó có thể kết hợp nâng tỷ giá bán USD để phù hợp hơn với diễn biến thực tế" - KBSV đánh giá.
Ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng đầu tư của Tập đoàn VinaCapital, cho biết trong khi nhiều đồng tiền khác trong khu vực Đông Nam Á đang mất giá mạnh từ 11-12% so với USD, thì tiền đồng mất giá rất thấp, nhưng vẫn có nhiều áp lực với tiền đồng trong thời gian tới.
"Do đồng USD mạnh lên nên khi doanh nghiệp vay bằng đồng USD sẽ chịu áp trả lãi cao hơn. Xu hướng này sẽ ngày càng tăng trước dự báo Mỹ sẽ tiếp tục nâng lãi suất.
Do đó, nhiều doanh nghiệp vay bằng USD buộc phải tìm USD để trả lại tiền gốc hoặc lãi hay tất toán sớm nợ vay. Vì vậy, cầu USD tăng mạnh, điều này làm tăng giá trị đồng USD và gây áp lực giảm giá tiền đồng. Điều này không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà nước nào cũng phải đối phó với tình trạng này" - ông Andy Ho nói.
Theo KBSV, việc nới biên độ tỉ giá của NHNN sẽ khiến các doanh nghiệp giảm bớt việc găm giữ USD. Tuy nhiên, áp lực nhập khẩu lạm phát sẽ gia tăng và từ đó có thể tác động liên đới lên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất, đồng USD sẽ vẫn duy trì xu hướng tăng, thì tỉ giá USD/VND vẫn có khả năng tăng tiếp.