Trong một hội thảo mới đây, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng HDBank cho biết, hiện không còn nhiều dư địa giảm lãi suất huy động vì lạm phát vẫn đang duy trì ở mức dưới 4%.
Lãi suất cho vay chỉ có thể giảm thêm từ 0,5-1%
Lãi suất cho vay sẽ có độ trễ hơn lãi suất huy động nên chưa thể nhanh chóng giảm. Vì trước đó, vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, các ngân hàng thương mại đã nâng lãi suất huy động khá cao do thanh khoản khó khăn.
Tuy nhiên, dần dần tiền gửi lãi suất cao sẽ giảm xuống và giúp chi phí vốn các ngân hàng giảm. Cùng với đó, thanh khoản dồi dào, nền kinh tế bắt đầu có xu hướng tăng trưởng giúp tín dụng tốt hơn nên khả năng lãi suất cho vay sẽ đi xuống, dự kiến trong thời gian tới từ đây đến cuối năm và sang quý I-2024.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, lãi suất cho vay đã giảm 2-3% so với trước đây và được kỳ vọng sẽ giảm thêm nhưng để giảm sâu hơn là rất khó. Có thể lãi suất cho vay chỉ có thể giảm thêm từ 0,5-1%.
Nhiều yếu tố tác động
Các chuyên gia khác cho rằng lãi suất là chi phí đi vay tiền. Do đó, lãi suất cho vay được cấu thành từ yếu tố cung cầu, rủi ro tín dụng, thời hạn vay.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại chưa thể giảm lãi suất cho vay như kỳ vọng vì cấu trúc nguồn vốn và sự tuân thủ an toàn vốn của ngân hàng. Chẳng hạn, nếu cơ cấu nguồn vốn có lãi suất cao thì buộc phải cho vay với lãi suất tương ứng.
Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở mức gần 6%. Thông thường ngân hàng sẽ tính thêm biên độ 3% nữa cho khoản vay dài hạn để bù đắp cho chi phí hoạt động kinh doanh, tiền lãi, chưa kể có thể đẩy thêm 1-2% lãi suất nữa cho phần bù rủi ro nếu dự án với khách hàng quá mới. Vì vậy, lãi suất cho vay khó có thể dưới 9%.
Ngoài ra, ngân hàng cũng tính đến lạm phát gia tăng trong tương lai nên phải tăng lãi suất để bảo vệ giá trị đồng tiền. Thông thường, lạm phát cao có lợi cho người đi vay nhưng bất lợi cho bên cho vay.
Cung cầu sẽ quyết định mức lãi suất. Nhu cầu về tín dụng tăng sẽ đẩy lãi suất cho vay lên cao; hay cung tín dụng nhiều sẽ giúp lãi suất cho vay hạ nhiệt.
Hiện nay, ngân hàng thừa thanh khoản, cầu tín dụng cũng yếu thì lẽ ra lãi suất cho vay phải giảm nhanh. Thế nhưng, do rủi ro tín dụng đến từ phía khách hàng, với nguy cơ khách hàng không trả lại khoản vay, dẫn đến nguy cơ nợ xấu gia tăng. Điều này khiến các ngân hàng cần phải tính thêm phần bù lãi suất để phòng ngừa các rủi ro này.