Trong hơn hai năm qua, ông thầy người Hàn Quốc gần như không thay đổi cách chơi cho các học trò ở các đội tuyển quốc gia. Sau những tìm tòi thử nghiệm, HLV Park Hang-seo mặc định sử dụng sơ đồ 3-4-3 xuyên suốt các giải đấu và gặt hái nhiều thành công.
Rất nhiều đối thủ từ vòng chung kết U-23 châu Á 2018, Asiad 18, AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 hay vòng loại thứ hai World Cup 2022 đều biết rất rõ cách vận hành chiến thuật của các đội tuyển Việt Nam nhưng để phá thì không dễ.
HLV Park Hang-seo đã thử nghiệm nhiều cách chơi cho đội tuyển trẻ Việt Nam để gây bất ngờ trước các đối thủ lớn. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Điều quan trọng giúp ông Park chiếm thế thượng phong ở các trận đấu còn là cách vận dụng và xoay chuyển nhân sự theo từng diễn biến cụ thể trên sân, cùng sự xuất thần của cầu thủ lẫn may mắn bên cạnh những bàn thắng quyết định.
Thực tế không có nhiều CLB nào ở V-League chơi ba trung vệ theo kiểu của đội tuyển, ngoại trừ HA Gia Lai của trợ lý Lee Tae-hoon vào cuối mùa có dịch chuyển tương tự nhờ dàn cầu thủ quen thuộc cách chơi của thầy Park. Duy có điều, thuận lợi của ông thầy người Hàn là những cầu thủ lên tuyển đã bắt nhịp và thích nghi rất nhanh với kiểu đá mới.
Cũng có lúc HLV Park Hang-seo cho học trò chuyển sang chơi theo sơ đồ 3-5-2 khi tấn công, hoặc 5-3-2 khi phòng thủ như giải tập huấn tiền Asiad 18 nhưng rồi ông thú nhận các cầu thủ đá không hay và hiệu quả hơn lối đá 3-4-3.
Tiến Linh là chân sút chủ lực của U-23 Việt Nam tại vòng chung kết U-23 châu Á. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Mãi cho đến kỳ SEA Games 30, ông Park chia sẻ mình có nhận nhiều lời góp ý của các trợ lý cần biến hóa cách chơi hơn, phần lớn do hầu hết đối thủ đã thuộc lòng những chiêu thức và con người của đội tuyển. Từ những trận dễ như khi đối đầu U-23 Lào, ông Park đã tung Hà Đức Chinh vào hiệp 2 đá cặp trung phong với Nguyễn Tiến Linh và sau đó ông thường xuyên cho học trò đá theo hệ thống 3-5-2 hoặc 3-4-3 tùy vào tình huống cụ thể hoặc đối thủ.
Nhớ trận cuối vòng bảng SEA Games 30 gặp đối thủ lớn Thái Lan, sau khi bị sớm dẫn hai bàn khi chơi với mỗi tiền đạo cắm Tiến Linh, ông Park đã tung ngay Hà Đức Chinh (thay hậu vệ Tấn Tài) vào đá hai trung phong để gây sức ép nhiều hơn cho cầu môn đối phương. Hai trận bán kết với Campuchia và chung kết gặp Indonesia sau đó, đội tuyển trẻ Việt Nam đều chơi bằng sơ đồ 3-5-2 cùng thu hoạch tốt về mặt thế trận lẫn tỉ số.
Tại vòng chung kết U-23 châu Á sắp tới diễn ra tại Thái Lan, đội hình của ông Park sẽ khiến các đối thủ khó bắt bài hơn khi có nhiều phương án tác chiến khác nhau. Tiền vệ Hoàng Đức bật mí: “Trong thời gian gần đây, thầy Park cho chúng tôi tập nhuần nhuyễn sơ đồ 3-5-2. Bản thân tôi và các đồng đội cũng thích nghi rất tốt với sơ đồ này. Chúng tôi có thể vận dụng nhiều lối đá khác nhau từ cách vận hành chiến thuật mới”.
Hà Đức Chinh giàu kinh nghiệm khi đã từng chinh chiến ở giải U-23 châu Á 2018 và lên ngôi á quân cùng đồng đội. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Tại giải U-23 châu Á 2020, với tư cách á quân, thầy trò Park Hang-seo lần lượt gặp U-23 UAE (ngày 10-1), U-23 Jordan (ngày 13-1) và U-23 CHDCND Triều Tiên (ngày 16-1). Ông thầy người Hàn Quốc nhận định các đối thủ này đều mạnh và không dễ cho U-23 Việt Nam giành chiến thắng. Tuy nhiên, ông và các học trò nỗ lực hết sức để đạt mục tiêu ban đầu vượt qua bảng D.
Cái đích tiếp theo của thầy trò ông Park là vào đến bán kết U-23 châu Á. Giả sử U-23 Nhật Bản cũng có mặt trong tốp 4, U-23 Việt Nam khi ấy cũng chắc chắn đoạt một suất chơi Olympic Tokyo. Đặt trường hợp Nhật không vào bán kết, ông Park và các tuyển thủ trẻ Việt Nam phải giành ít nhất huy chương đồng mới có suất chơi Thế vận hội 2020.