Vì sao Sacombank tiếp tục không chia cổ tức?

(PLO)- Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank cho biết sẽ nỗ lực xử lý nợ xấu nhanh hơn nữa để sang năm tiến hành chia cổ tức, không để cổ đông phải chất vấn vấn đề này thêm nữa.

Sáng 25-4, Ngân hàng Sacombank tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2022.

Tại phiên thảo luận, nhiều cổ đông chất vấn về việc vì sao nhiều năm nay Sacombank không chia cổ tức trong khi lợi nhuận của ngân hàng năm nào cũng tăng.

Giải đáp về thắc mắc này, ông Dương Công Minh cho biết, do Sacombank là ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Mặc dù nợ xấu đã cơ bản được xử lý, nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là cổ phần của ông Trầm Bê. Hiện Sacombank đã trình NHNN phương án mua lại số cổ phiếu đó từ NHNN để bán đấu giá, khi bán xong khoản này mới khôi phục lại vốn.

“Tuy nhiên, HĐQT Sacombank đã xác định năm 2023 là năm cuối cùng trong lộ trình tái cơ cấu, để sang năm thực hiện chia cổ tức cho các cổ đông. Không chỉ có các cổ đông mới muốn chia cổ tức mà bản thân tôi cũng là cổ đông lớn của Sacombank và cũng muốn được nhận cổ tức”, ông Minh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc NHNN cho biết, đề án tái cơ cấu của Sacombank được thực hiện từ năm 2016-2025 và giờ đây ngân hàng đã trải qua gần hết lộ trình tái cơ cấu và đã đạt được nhiều kết quả tích cực về lãi dự thu, xử lý nợ xấu... Do đó, nhiều khả năng Sacombank có thể hoàn thành đề án tái cơ cấu sớm hơn so với thời hạn đề ra.

Trao đổi về tác động của Thông tư 02 do NHNN vừa ban hành có ảnh hưởng gì đến quá trình cơ cấu của Sacombank không? Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết: Ngày mai, chúng tôi sẽ tiến hành họp HĐQT đưa ra quy chế để cơ cấu thời gian trả nợ cho khách hàng đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Tuy nhiên, chúng tôi không cơ cấu nợ bất chấp, cơ cấu nợ nhưng phải có điều kiện đi kèm.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết thêm: Trong năm nay, chúng tôi dự kiến trích lập dự phòng rủi ro 8.000 tỉ đồng lợi nhuận cho trái phiếu VAMC.

Được biết, tính đến hết quý 1, nợ nhóm 2 của ngân hàng này là 4.226 tỉ đồng, nhích nhẹ so với cuối năm ngoái nhưng so với năm trước giảm 1.255 tỉ đồng.

Trong năm 2022 và đầu năm 2023, các lĩnh vực cho vay sản xuất kinh doanh khó khăn, con số nợ này kéo theo từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngắn hạn dòng tiền chưa thu hồi kịp. Các khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới