Vì sao tiền điện thoại thường xuyên bị ‘bốc hơi’?

Nguyên nhân khiến bạn bị mất tiền điện thoại

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn bị trừ tiền điện thoại, đơn cử như smartphone bị dính malware (phần mềm độc hại), cài đặt nhầm các ứng dụng có chứa SMS trojan (tự động gửi tin nhắn đến các đầu số dịch vụ để trừ tiền).

SMS Trojan đầu tiên trên Android được phát hiện vào năm 2010 bởi các nhà nghiên cứu bảo mật tại Kaspersky Lab. Về cơ bản, các ứng dụng độc hại thường được đặt tên rất “khiêu gợi” như video hot, clip hot, đánh bài online, game người lớn… để đánh vào tâm lý tò mò của người dùng. Một khi bạn cài đặt ứng dụng, nó sẽ gửi tin nhắn SMS đến các đầu số dịch vụ ở nước ngoài với cước phí cao mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu thiết bị. 

Theo các báo cáo bảo mật được thống kê vào đầu năm 2015, hiện tại có đến hơn 22,7% các smartphone tại Việt Nam bị nhiễm mã độc. Trong đó chỉ tính riêng mã độc gửi tin nhắn đến đầu số dịch vụ nội dung có thu phí đã gây tổn thất hàng tỉ đồng mỗi ngày cho người dùng.

Ngoài ra, việc cài đặt các ứng dụng bên ngoài Google Play cũng khiến bạn dễ bị mất tiền oan uổng. Theo ghi nhận, khi thử tìm kiếm ứng dụng Zalo trên Google, bạn sẽ thấy xuất hiện một số kết quả quảng cáo (QC) nằm trên đầu, và tất nhiên đa số đều là phần mềm độc hại. Khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu bạn đăng nhập và kích hoạt bằng cách gửi tin nhắn đến đầu số xxx, số tiền bị trừ có thể dao động từ 15.000 - 30.000 đồng.

Ứng dụng Zalo giả mạo tràn lan trên Google. Ảnh: MINH HOÀNG

Thực chất tất cả những ứng dụng này đều được cung cấp miễn phí trên Google Play hoặc App Store và không hề mất phí kích hoạt. Do đó, người dùng không nên cài đặt ứng dụng thông qua các trang của bên thứ ba. 

Ngoài nguyên nhân kể trên thì việc mất tiền điện thoại bí ẩn có thể liên quan đến các dịch vụ giá trị gia tăng (VAS) của nhà mạng (Nhạc chờ, MobiFone TV, Thế giới trẻ AdamEva…). Có không ít trường hợp nhà mạng tự động đăng kí dịch vụ mà không cần sự đồng ý của khách hàng.

Thực tế, vấn đề này vốn chẳng phải là mới bởi nó đã âm thầm diễn ra cách đây nhiều năm. Trước đó, Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cũng đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp chỉ được kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng (VAS) khi có sự đồng ý, xác nhận từ phía khách hàng. Tuy nhiên mọi thứ dường như đang diễn ra ngược lại. Có lẽ phần lợi nhuận quá lớn đã khiến các nhà mạng nhắm mắt bỏ qua mức phạt vài chục triệu đồng.

Cách hạn chế tình trạng mất tiền oan uổng

Để tránh bị mất tiền oan, bạn hãy đọc kỹ các điều khoản mà chương trình đưa ra trước khi chấp nhận cài đặt, không tải các tập tin .apk từ các trang web không rõ ràng. Nếu thấy một ứng dụng đọc báo, nghe nhạc hay trò chơi mà lại yêu cầu quyền gửi SMS hoặc MMS thì hãy cẩn thận.

Thêm vào đó, các ứng dụng độc hại, đánh cắp mật khẩu và nghe lén thường sẽ chạy ngầm và gửi dữ liệu liên tục về máy chủ (server) nên nó sẽ tự động kích hoạt 3/4G nếu không có WiFi. Do đó, nếu thấy dữ liệu cứ liên tục được gửi/nhận, trong khi bạn không mở ứng dụng nào thì hãy kiểm tra lại các dịch vụ bằng cách vào Settings (Cài đặt) > Apps (Ứng dụng) > Services (Các dịch vụ đang hoạt động) và tắt các dịch vụ đáng ngờ.

Kiểm tra các dịch vụ, ứng dụng đáng ngờ trên điện thoại. Ảnh: MINH HOÀNG

Đồng thời đừng quên cài đặt các phần mềm chống virus như Avast, Kaspersky, Dr. Safety cho smartphone để bảo vệ dữ liệu và tài khoản tốt hơn.

Tương tự, để kiểm tra các dịch vụ VAS đang sử dụng hoặc đang bị đăng kí dùm, bạn hãy soạn tin nhắn theo cú pháp sau:

- Vinaphone: soạn tin nhắn TK gửi 123 hoặc gọi tổng đài 9191 (200 đồng/phút). 

- MobiFone: soạn tin nhắn KT gửi 994 hoặc gọi tổng đài 9090 (200 đồng/phút). 

- Viettel: soạn tin TC gửi 1228 hoặc gọi tổng đài 19008198 (200/phút)

Kiểm tra các dịch vụ giá trị gia tăng (VAS) đang sử dụng. Ảnh: MINH HOÀNG

Nếu phát hiện những dịch vụ bất thường mà bạn chưa từng đăng kí, người dùng chỉ cần soạn tin nhắn hủy theo cú pháp hoặc liên hệ với tổng đài để khiếu nại.

Hi vọng rằng với những mẹo nhỏ bên trên, người dùng có thể yên tâm sử dụng điện thoại mà không còn canh cánh nỗi lo bị trừ tiền vì những dịch vụ trên trời rơi xuống.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.

 

Đọc thêm