Vì sao tín dụng xanh vẫn mãi 'bé tí hon'?

(PLO)- Nhiều người cho rằng tín dụng xanh tiềm ẩn rủi ro ở mức độ cao. Thế nhưng các chuyên gia kinh tế lại cho rằng tín dụng không xanh thì rủi ro lại càng cao hơn trong tương lai.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Đó là quan điểm được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại Hội thảo tài chính xanh với chủ đề: "Chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa doanh nghiệp và ngân hàng", do Báo SGGP Đầu tư Tài chính phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) vừa tổ sáng nay, ngày 18-10.

Chuyển đổi xanh là yếu tố sống của ngân hàng, doanh nghiệp

Mới đây, ngân hàng HDBank và Proparco (Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp) ký kết Hợp đồng tín dụng trị giá 50 triệu USD. Nguồn vốn này được dùng để cho vay các dự án năng lượng tái tạo, tài chính khí hậu và thúc đẩy bình đẳng giới… Trước đó, tháng 8-2021, Proparco lần đầu cấp cho HDBank khoản tín dụng 50 triệu USD thời hạn 5 năm, giúp ngân hàng này tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Hay như ngân hàng BIDV cũng vừa huy động thành công 5.000 tỉ đồng từ sản phẩm tiền gửi xanh nhằm bổ sung nguồn lực cho các dự án giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Với sản phẩm tiền gửi xanh, BIDV cam kết sử dụng toàn bộ số tiền huy động được để tài trợ cho các dự án xanh (năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và công trình xanh), góp phần bảo vệ môi trường cũng như thúc đẩy ý thức về phát triển bền vững trong cộng đồng…

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội cho rằng: Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh của Việt Nam tương đối cao nhưng chiếm tỉ trọng còn khá nhỏ so với tổng tín dụng của toàn nền kinh tế. Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế hiện nay đạt khoảng 14,7 triệu tỉ đồng. Nhưng dư nợ tín dụng xanh hiện mới chỉ đạt khoảng 650.300 tỉ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2023 và chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Rõ ràng đây là một tỉ lệ vô cùng khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, phần lớn nguồn vốn xanh đang chủ yếu tập trung cho các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (dự án điện gió, điện mặt trời) chiếm gần 45% và nông nghiệp xanh (chiếm gần 30%).

“Mọi người cho rằng, tín dụng xanh có nguy cơ rủi ro cao, dễ phát sinh nợ xấu, nhưng tôi cho rằng tín dụng không xanh thì nguy cơ rủi ro lại càng cao hơn tương lai”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Bình luận về đa dạng hóa dòng vốn cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, Ths. Nguyễn Thị Thu Hà, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), cho rằng dòng vốn không chỉ đến từ các ngân hàng thương mại mà còn có thể khai thác từ quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà tài trợ tổ chức, nhà đầu tư thiên thần và các tổ chức tài chính phát triển (DFI). Đồng thời, nhìn nhận xu hướng hợp tác chéo giữa các nguồn vốn công và tư, giúp giảm rủi ro và thu hút đầu tư vào các dự án khí hậu.

ngân hàng cần đẩy mạnh tín dụng xanh
Các ngân hàng cần đẩy mạnh tín dụng xanh. Ảnh minh họa

Tín dụng xanh là chỉ báo quan trọng để xác định nền kinh tế xanh

GS.TS Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cảnh báo luật chưa đề cập đến việc bảo vệ rủi ro liên quan đến khí hậu. Cho nên, nếu phát triển tín dụng xanh dài hạn thì có thể sẽ có rủi ro pháp lý lớn.

"Nếu Quốc hội không ghi vào Luật Ngân hàng Nhà nước về bảo đảm các "cú sốc" trước biến đổi khí hậu thì khó để ngành cho vay xanh phát triển mạnh, bởi hệ số rủi ro sẽ cao hơn. Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc của nhiều ban ngành liên quan, chẳng hạn phải có quy định về thuế, những ngành nghề nào hạn chế cho vay xanh, sàn tín dụng xanh sẽ hoạt động ra sao… Từ đó mới thúc đẩy tín dụng xanh phát triển như chúng ta mong muốn", GS.TS Trần Ngọc Thơ kiến nghị.

Để doanh nghiệp tiếp cận vốn xanh dễ dàng hơn, TS Trần Du Lịch cho rằng: Trước hết chúng ta cần làm rõ hơn tiêu chí xác định “xanh”, thước đo môi trường như thế nào. Đây cũng chính là yếu tố mà khi tiếp cận với các gói tín dụng xanh thì doanh nghiệp thường bị vướng. Thứ hai, về nguồn vốn, không chỉ dựa vào các ngân hàng thương mại mà chúng ta cần phải tận dụng các nguồn vốn quốc tế, các quỹ…

Thứ ba, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để tạo sự an toàn cho cả tổ chức tín dụng và người đi vay. Thứ tư là đào tạo nguồn nhân lực, đề nghị các ngân hàng thương mại đào tạo một đội ngũ chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp về tín dụng xanh để tiếp cận doanh nghiệp. Lực lượng chuyên nghiệp này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và cho cả ngân hàng.

Thứ năm, là phải đa dạng hóa sản phẩm tín dụng xanh, tức là không chỉ tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch mà tài trợ theo hệ thống, sinh thái".

"Về phía các doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nào chậm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tức là chúng ta chấp nhận đi sau và lạc hậu, không thể cạnh tranh được trên thị trường.

Về phía các ngân hàng, cũng cần phải đẩy mạnh cho vay tín dụng xanh. Làm sao để nâng tỉ lệ tín dụng xanh từ chỗ chỉ chiếm tỉ trọng vô cùng thấp như hiện nay lên tỉ lệ 30-40% trên tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Bởi thông qua mức độ tăng trưởng tín dụng xanh, sẽ giúp chúng ta có được chỉ báo quan trọng để đánh giá mức độ chuyển đổi xanh của nền kinh tế”, TS Lịch khẳng định.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết ngành dệt may đã đi trước về việc chuyển đổi xanh trong 7 năm qua, và tập trung mạnh nhất là trong 5 năm trở lại đây. Nếu chúng tôi không “đi trước” thì đã không thể có được số lượng đơn hàng xuất khẩu tốt như ngày hôm nay. Bởi nếu không có đủ 86 chỉ tiêu đánh giá thì chúng tôi sẽ không có được bất cứ một đơn hàng xuất khẩu của đối tác nào hết.

“Do đó, khi thẩm định các hồ sơ tín dụng xanh, các ngân hàng cần tính toán đến giá trị của 86 chỉ tiêu đánh giá mà doanh nghiệp xuất khẩu đã hoàn thiện, bởi chi phí để có thực hiện đầy đủ các tiêu chí này là vô cùng tốn kém. Bên cạnh đó, khi cho vay vốn xanh, các ngân hàng thương mại cần phải cho vay trung dài hạn, chứ vốn xanh mà chỉ cho vay ngắn hạn thì doanh nghiệp không thể chịu nổi chi phí tài chính đâu”, ông Giang nói.

Ở góc nhìn của ngân hàng thương mại, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp - Ngân hàng HDBank cho biết: “Để tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp phải chủ động chuyển đổi xanh và phải trình bày được mô hình xanh mà mình đang theo đuổi với các ngân hàng. Chẳng hạn, doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt là giày, trên mái nhà phân xưởng là điện mặt trời”.

Đặt vấn đề về những tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống ngân hàng, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Vương quốc Anh nêu quan điểm: Có hai loại rủi ro của biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và ngân hàng cùng một lúc.

Thứ nhất là rủi ro về vật chất. Bằng chứng là sau khi cơn bão số 3 đi qua thì hàng loạt nhà xưởng, hàng tồn kho, các nhà máy bị ảnh hưởng. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân mà nó còn ảnh hưởng đến các ngân hàng. Bởi khi tài sản của doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại mà tài sản đó đang được thế chấp tại ngân hàng thì tức là bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp và ngân hàng đồng loạt giảm đi. Đây rõ ràng là một tổn thất bị tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu.

Thứ hai là rủi ro chuyển đổi. Tức là khi một doanh nghiệp phải tiến hành chuyển đổi xanh để đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu nhằm bắt kịp với xu hướng tất yếu của thị trường, và đương nhiên việc chuyển đổi này đòi hỏi chi phí rất tốn kém. Qua đó, dòng tiền của doanh nghiệp chắc chắn cũng bị ảnh hưởng và kéo theo đến chất lượng khoản vay tại ngân hàng cũng có thể bị tác động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm