Các nỗ lực dập lửa và cứu người được triển khai cấp tập. Chỉ chưa đầy sáu phút sau khi nhận được cuộc gọi cầu cứu đầu tiên, hơn 200 lính cứu hỏa TP London lao đến hiện trường vụ cháy, theo tờ The Guardian. Đã có 12 người thiệt mạng và hơn 60 người bị thương. Các lực lượng cứu hộ lo sợ không người nào sống ở ba tầng trên cùng có thể sống sót. Trong khi các nhà chức trách phát thông báo tìm kiếm những người còn mất tích, những chuyên gia đối mặt với câu hỏi hóc búa: Grenfell Tower cháy rụi chỉ trong sáu tiếng. Vì sao tòa nhà 27 tầng có thể biến thành “hỏa ngục” với một tốc độ kinh hoàng như vậy?
Tòa nhà 27 tầng trong phút chốc bị lửa nuốt chửng. Ảnh: MIRROR
Ông Feng Fu, giảng viên ĐH London, nhận định việc tòa nhà Grenfell Tower được xây dựng từ năm 1974, thời điểm những quy định và quản lý phòng, chống hỏa hoạn chưa được hoàn thiện như ngày nay, có thể là đã góp phần tạo nên thảm họa. “Rõ ràng người dân tại tòa nhà không hề hài lòng với các đường thoát hiểm của tòa nhà, dựa trên một bài viết được đăng trên mạng bởi cư dân ở đây vào tháng 11-2016” - Feng Fu nói, tiết lộ thêm rằng tòa nhà chỉ có một cầu thang thoát hiểm. Theo tờ The Guardian, tòa nhà này cũng đã suýt bị hỏa hoạn vào năm 2013 vì một sự cố chập điện, tuy nhiên người dân đã trở tay kịp thời. Một nhóm cư dân khác của tòa nhà cũng từng khẳng định các cảnh báo của họ về tình trạng thiếu an toàn cháy nổ không khác gì “đàn gảy tai trâu”.
Theo trang The Conversasion, đã có một số báo cáo nghi lớp phủ ngoài của tòa nhà Grenfell Tower chính là một trong những nguyên nhân chính khiến đám cháy bùng phát dữ dội. Lớp phủ ngoài này được lắp đặt cho tòa nhà vào năm 2016, trong dự án tân trang trị giá gần 11,6 triệu USD nhằm mục đích chống thấm. Theo ông Feng Fu, lớp phủ ngoài của tòa nhà chủ yếu được làm từ nhôm, không có khả năng kháng lửa và có khả năng dẫn nhiệt rất cao. Điều này khiến các tầng bén lửa nhanh hơn, cháy lan từ tầng này thẳng lên tầng khác. Trả lời phỏng vấn của LBC Radio, một người dân sống tại tòa nhà cũng khẳng định lớp phủ ngoài là “nguyên nhân thật sự” khiến vụ cháy vượt khỏi tầm kiểm soát. “Cả một phía của tòa nhà bốc cháy dữ dội. Lớp phủ ngoài bén lửa chả khác gì diêm quẹt” - người này cho biết.
Theo tờ The Independent, sử dụng lớp phủ ngoài là một biện pháp tân trang rẻ tiền hơn các biện pháp thi công khác. Công ty chủ sở hữu tòa nhà đã đặt hàng biện pháp này để “tu sửa nhan sắc” cho Grenfell Tower phù hợp hơn với khu dân cư sang trọng xung quanh. Tuy nhiên, trong thông cáo sau vụ hỏa hoạn, công ty xây dựng Rydon - phụ trách lắp đặt lớp phủ ngoài - khẳng định vật liệu mà họ sử dụng đã đáp ứng mọi tiêu chuẩn về phòng, chống hỏa hoạn và sức khỏe người dùng, theo Metro.