Về sự thay đổi liên tục trong tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tổ chức Thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 6 tại Singapore và phản ứng “tích cực” của lãnh đạo Triều Tiên (TT) Kim Jong-un, TS Bùi Hải Đăng, Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc học, ĐH KHXH&NV TP.HCM đã trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM những nhận định của ông trước các động thái này.
. Phóng viên: Dù Mỹ đã lên tiếng hủy bỏ Thượng đỉnh Trump-Kim 2018 tại Singapore nhưng TT vẫn theo đuổi. Lần thứ hai trong một tháng và ngày 1-6 là lần thứ ba lãnh đạo liên Triều gặp nhau. Theo ông, vì sao TT quyết liệt theo đuổi thượng đỉnh này?
+ TS Bùi Hải Đăng: Thứ nhất, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều là “lối ra” duy nhất cho tình trạng đối đầu quân sự đang diễn ra giữa hai miền trên bán đảo TT, vì Hàn Quốc (HQ) không thể tự ý ký kết hiệp ước hòa bình với TT mà không có sự đồng ý của phía Mỹ. Do đó, mặc dù bên đưa ra đe dọa hủy Thượng đỉnh Mỹ-Triều trước là phía TT (vào ngày 15-5) nhưng thực chất đây chỉ là thủ thuật để phía TT “nâng giá” trong đàm phán với Mỹ, đồng thời đáp trả các đe dọa “bỏ đàm phán” mà Tổng thống D. Trump đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần khi được hỏi về Thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Thứ hai, các biện pháp trừng phạt thương mại nhằm tạo ra “áp lực tối đa” của Mỹ từ cuối năm 2017 thực sự đã gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế TT.
Thứ ba, rất hiếm khi TT gặp được một chính phủ HQ có quan điểm thân thiện và quyết tâm chính trị cao như vậy trong việc hiện thực hóa tiến trình hòa giải hai miền.
Ngoài ra, việc TT tuyên bố phát triển thành công vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo có tầm bắn đến lãnh thổ của Mỹ vào cuối năm 2017 cũng đã đặt TT vào một thế trận “vượt giới hạn đỏ” của Mỹ - một thế trận không có đường lui cho cả hai phía Mỹ-Triều. Như vậy, Bình Nhưỡng rất cần Thượng đỉnh Mỹ-Triều được tiến hành để từng bước đánh đổi các lợi ích hạt nhân của họ và nhận lấy những “mẫu số chung hòa bình” mà tất cả các bên đang mong đợi, trong một bối cảnh không thể lùi bước được nữa.
. Phía Mỹ cũng tỏ ra “thiếu chắc chắn”. Ông Trump khi nhiệt tình, lúc thì đòi hủy; khi khen TT, lúc lại đe dọa. Ông lý giải như thế nào?
+ Vì TT đã chọn “vượt giới hạn đỏ” của Mỹ bằng cách công khai đe dọa tấn công hạt nhân bằng tên lửa hành trình đến các lãnh thổ và căn cứ của Mỹ nên ông Trump buộc phải toàn tâm toàn ý trong việc đối phó với TT. Tuy nhiên, kịch bản hòa giải hai miền trên bán đảo TT có khả năng cao sẽ dẫn đến kịch bản giảm hiện diện quân Mỹ tại HQ vì không còn lý do an ninh cần thiết - đây lại là kịch bản mà các nhóm lợi ích quân sự ở Mỹ rất khó chấp nhận.
Lãnh đạo Triều Tiên (trái) đang nỗ lực để ngồi vào bàn đàm phán với ông Trump. Ảnh: EPA
Vì thế, khi theo dõi kỹ bối cảnh của từng động thái mà ông Trump đưa ra sẽ hiểu được ông Trump không chỉ phải đối phó với TT và các nước liên quan - phần lớn trong số đó đã sẵn sàng nhân nhượng nhiều lợi ích để đổi lấy sự thỏa hiệp của Mỹ trong vấn đề TT, mà còn phải đối phó với dư luận phản đối từ các nghị sĩ mang tiếng “diều hâu” hoặc đang hoài nghi Trump quá mềm yếu khi chấp nhận đàm phán với TT trong Quốc hội Mỹ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các phát ngôn và hành động tưởng chừng như “thiếu chắc chắn” của ông Trump.
Ngoài ra, tôi cũng như không ít người cho rằng tuyên bố hủy bỏ Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore là một thủ thuật trước đàm phán của Tổng thống Trump hay một phép thử để xem thái độ, mong muốn đến đâu từ các bên liên quan như HQ và Trung Quốc.
Trên thực tế, việc không để lộ “ẩn số” về lập trường đàm phán cho đến phút cuối cùng cũng là một trong những đặc trưng trong “công thức Trump” - một phương thức đàm phán đã tỏ ra hiệu quả trong các xung đột thương mại với Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Trung Quốc thời gian gần đây. Nói cách khác, ông Trump luôn đưa ra các tuyên bố cho thấy hướng đi nào cũng có lợi cho nước Mỹ và giữ kỹ các tính toán thật của ông cho đến thời hạn cuối của sự kiện, hoặc đến khi đạt được sự nhân nhượng của đối phương. Dĩ nhiên, ông Trump cũng áp dụng công thức này vào vấn đề TT.
. Liệu Thượng đỉnh Trump-Kim nếu có diễn ra thì có đạt được nhiều kết quả “lịch sử” không?
+ Nếu đã hiểu về “công thức Trump”, kết hợp với các diễn biến thực địa về sự nhân nhượng và “sẵn sàng đàm phán” với Trump bất kỳ lúc nào cùng với tuyên bố không cần viện trợ kinh tế từ Mỹ, như tân Ngoại trưởng M. Pompeo đã đề nghị trước đó của TT, có thể thấy tổng thống Mỹ đang dần đạt được mục tiêu, đó là “phi hạt nhân hóa” bán đảo TT và từng bước vô hiệu hóa khả năng bị tấn công hạt nhân từ bán đảo này với một cái giá tối thiểu. Điều này rõ ràng đáp ứng được “công thức Trump” và cũng là lý do cho các thông tin từ ông Trump vào ngày 25-5 để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán với TT.
Thấu hiểu cách tiếp cận của ông Trump, TT đã khéo léo từng bước giảm chi phí cho phía Mỹ và kết hợp với HQ mở đường cho các dự án khai thác tài nguyên do các liên doanh Mỹ-HQ cùng thực hiện. Mặc dù khó có thể đạt được những bước ngoặt vì cả hai bên đều rất thận trọng nhưng các diễn tiến này sẽ mở ra những triển vọng tích cực cho Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới.
ông Trump luôn đưa ra các tuyên bố cho thấy hướng đi nào cũng có lợi cho nước Mỹ và giữ kỹ các tính toán thật của ông cho đến thời hạn cuối của sự kiện, hoặc đến khi đạt được sự nhân nhượng của đối phương. Dĩ nhiên, ông Trump cũng áp dụng công thức này vào vấn đề TT. |