Vì sao Trung Quốc mua sầu riêng Việt Nam tăng hơn 30 lần?

Vì sao Trung Quốc mua sầu riêng Việt Nam tăng hơn 30 lần?

(PLO)- Trong 10 tháng 2023, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 451.600 tấn, tăng hơn 30 lần so với cùng kỳ năm 2022. 

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết sầu riêng là loại trái cây có trị giá xuất khẩu lớn nhất của ngành hàng rau quả trong 11 tháng 2023 với trị giá hơn 2,1 tỉ USD. Phần lớn sầu riêng Việt Nam chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc.

Trong 10 tháng năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 1,3 triệu tấn sầu riêng với tổng giá trị gần 6,4 tỉ USD, tăng 88% về lượng và tăng 81% giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, Thái Lan là nguồn cung sầu riêng lớn nhất ở thị trường này với số lượng đạt gần 904.000 tấn, tăng 28%, đạt giá trị hơn 4,4 tỉ USD.

Sầu riêng Việt đắt khách Trung Quốc

Đặc biệt, Việt Nam là nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 vào Trung Quốc nhưng đứng thứ nhất về tốc độ tăng trưởng. Trong 10 tháng năm 2023, sản lượng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 451.600 tấn, tăng hơn 30 lần; trị giá xuất khẩu gần 1,9 tỉ USD, tăng hơn 31 lần so với cùng kỳ năm trước.

Vị trí thứ ba là Philippines, với sản lượng chỉ đạt 3.333 tấn và giá trị gần 12 triệu USD.

sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc
Trong 10 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc tăng hơn 31 lần so với cùng kỳ năm ngoái, thu về gần 1,9 tỉ USD.

Lý giải nguyên nhân, thị trường Trung Quốc mua sầu riêng Việt Nam tăng mạnh, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết xuất khẩu sầu riêng Việt Nam bắt đầu tăng mạnh khi hai nước ký Nghị định thư vào tháng 7-2022.

Từ xuất khẩu tiểu ngạch, sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch, các vùng trồng sản xuất, đóng gói theo tiêu chuẩn thị trường Trung Quốc nên số lượng xuất khẩu ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, Việt Nam có những ưu thế so với các nước xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc. Như về nguồn cung, Việt Nam có diện tích lớn, sầu riêng ở các nước chỉ có theo mùa, còn Việt Nam thu hoạch quanh năm nên lúc nào cũng có hàng xuất khẩu.

Thứ hai, là vị trí địa lý thuận tiện, việc vận chuyển sầu từ vùng trồng ở nước ta sang Trung Quốc gần, chỉ mất 1,5 ngày. Nhờ đó, sầu riêng đảm bảo tươi ngon, chi phí vận chuyển lại rẻ hơn so với Thái Lan, Malaysia và Philippines.

sau-rieng-Viet-Nam-dong-goi.jpg
Sầu riêng Việt Nam đóng gói xuất khẩu.

Sầu riêng làm quà tặng thể hiện sự giàu có

Vì sao Trung Quốc lại mua rất nhiều sầu riêng, theo các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang thị trường này thì do nhu cầu lớn thậm chí “cơn sốt” loại trái cây này ở Trung Quốc.

Người tiêu dùng nước này không chỉ thích ăn sầu riêng mà còn xem sầu riêng là loại trái cây cao cấp, họ làm quà tặng thể hiện sự giàu có và sự quý trọng của người tặng.

Thậm chí, ở Trung Quốc, họ tặng sầu riêng cho bạn bè và người thân khi họ đính hôn, sinh nhật, dịp lễ ngày càng phổ biến.

hinh2-quanghuy-bai-kinh-te-sau-rieng-cap-dong.jpg
Sầu riêng Việt Nam được cấp đông xuất khẩu sang nhiều thị trường xa hơn như Mỹ.

Trong hai năm qua, Trung Quốc đã nhập khẩu sầu riêng trị giá 6 tỉ USD, chiếm 91% nhu cầu toàn cầu.

Giá trái sầu riêng tươi bán tại thị trường Trung Quốc có giá khá cao từ 10USD/kg (tương đương hơn 240.000 đồng/kg) cao hơn so với giá tại các nước Asean chỉ 6USD/kg.

Đọc thêm