Kayakoy là một “thị trấn ma” thực sự của tỉnh Mugla và là lời nhắc nhở về một quá khứ khắc nghiệt của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ và mối quan hệ căng thẳng của Ankara với nước láng giềng Hy Lạp, đài CNN nhận xét.
Cách đây hơn 100 năm, Kayakoy (hay Levissi theo cách gọi của người Hy Lạp) là một thị trấn nhộn nhịp với dân số ít nhất 10.000 người. Những tín đồ Chính thống giáo chiếm phần lớn dân số đã sống hoà hợp với những người nông dân Thổ Nhĩ Kỳ bên bờ biển Aegean.
Ngày nay, những gì còn lại của khoảng 2.500 ngôi nhà của thị trấn Kayakoy sầm uất một thời chỉ là những bức tường đã đổ nát khá nhiều nằm lẩn khuất dưới rất nhiều cây xanh và mang nét thu hút lạ thường.
Năm 1922, chiến tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp kết thúc. Mối quan hệ giữa hai láng giềng trở nên căng thẳng, dẫn tới các đợt “trao đổi dân số” khi Ankara và Athens trục xuất thô bạo những người có quan hệ văn hoá, sắc tộc với bên còn lại.
Sau khi người Hy Lạp rời đi, Kayakoy đón nhận làn sóng người Hồi giáo chuyển tới sinh sống. Tuy nhiên, nhóm dân cư mới được cho là không mấy hài lòng với Kayakoy và nhanh chóng chuyển đi, bỏ lại thị trấn hoang tàn.
Bà Jane Akatay, người tham gia viết sách về Kayakoy, cho biết một trong những lý do khiến thị trấn này bị bỏ hoang là nỗi buồn sâu sắc còn tồn tại ở nơi này sau những sự kiện bi thảm trong thập niên 1920.
Bà Aysun Ekiz, hậu duệ của một trong số ít những người Thổ Nhĩ Kỳ chọn ở lại Kayakoy, cho biết bà được kể lại rằng, khi có lệnh trục xuất, nhiều người Hy Lạp đã khóc vì không muốn rời đi.
“Một số người thậm chí còn để lại con cái cho bạn bè người Thổ Nhĩ Kỳ chăm sóc vì họ nghĩ sẽ quay trở lại. Nhưng họ đã không bao giờ quay lại” - bà Ekiz kể lại.
Trong thời sầm uất của mình, Kayakoy nổi bật với những bức tường được sơn màu xanh, màu sắc mà theo quan niệm địa phương có thể xua đuổi rắn và bọ cạp, bà Ekiz kể thêm.
Thị trấn một thời thịnh vượng này từng có nhiều ngôi nhà hai tầng, song tất cả đều được xây khéo léo để không che khuất ánh nắng chiếu vào những căn nhà xung quanh.
Hiện nay, hầu hết nhà cửa đã bị mất phần mái, các bức tường đổ nát do động đất, mưa bão và khí hậu khắc nghiệt ở vùng ven biển. Ở phần cao nhất của thị trấn, trên tàn tích sót lại của một trường học là một cột cờ.
Trong khi đó, ở Kayakoy vẫn có những bể chứa nước nguyên vẹn, khẳng định sự kỳ công của người dân thời bấy giờ dành cho hệ thống dự trữ nước sống còn của thị trấn. Cùng với đó là một số nhà thờ nhỏ với hình dáng tương tự những công trình có thể dễ dàng tìm thấy trên các hòn đảo ở Hy Lạp.
Hiện nay, du khách chỉ phải trả 3 euro (hơn 83 nghìn đồng) nếu muốn tham quan thị trấn ma này. Từ đường chính dẫn vào thị trấn, du khách có thể đi bộ xuống những con đường và ngõ nhỏ – nhiều chỗ không hề bằng phẳng, tàn tích của những ngôi nhà, trường học, nhà thờ và đài phun nước.
Du khách có thể dễ dàng tìm cho mình những khoảng riêng tư, dành vài giờ lang thang để tưởng tượng về khung cảnh nhộn nhịp từng có ở Kayakoy, đặc biệt là ở quảng trường phố cổ, nơi người dân từng tụ tập để uống trà và trò chuyện.
Đây từng là địa điểm được đạo diễn người Úc gốc Anh Russell Crowe chọn quay phim "The Water Diviner" (tạm dịch "Người dò mạch nước") về đề tài hậu Thế chiến thứ nhất - bộ phim được nhiều giải cao trong các liên hoan phim tại Úc.