BV Đại học Y Dược chuyển F0 nặng về BV dã chiến số 13

Để dễ dàng cho việc quản lý, điều trị và chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã trung chuyển bệnh nhân từ Trung tâm hồi sức COVID-19 đặt tại Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân) về Bệnh viện dã chiến sô 13.

Trung tâm hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược đặt tại Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân).

Từ ngày 13-10, bệnh viện đã cho chuyển nhiều vật tư, thiết bị y tế để phục vụ công tác điều trị tiếp tục tại bệnh viện dã chiến số 13.

Những bệnh nhân nặng được bệnh viện gấp rút chuyển về Bệnh viện dã chiến số 13 để tiếp tục điều trị.

Trong quá trình chuẩn bị chuyển giao bệnh nhân, trước đó vài ngày, đội ngũ y tế Bệnh viện Đại học Y Dược đã lên kế hoạch liên hệ những bệnh viện tuyến dưới và chuyển các bệnh nhân đã ổn định sức khoẻ xuống các bệnh viện đó, đồng thời luân chuyển những bệnh nhân tại Trung tâm hồi sức COVID-19 đặt tại Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân) sang nơi mới tiếp quản.

Ngày 14-10, chuyến xe cấp cứu trung chuyển bệnh nhân đầu tiên đã lăn bánh. Những bệnh nhân đầu tiên đều là những ca bệnh buộc phải thở máy và được tiên lượng là có bệnh tình nguy kịch nhất.

Trước khi lên xe, bác sĩ Hoàng Quốc Trung và điều dưỡng tiến hành kiểm tra 2 bình oxy, một bình 15 lít và một bình 40 lít, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các loại thuốc thường dùng cho các tình huống xấu nhất.

Đường truyền oxy của bệnh nhân phải đảm bảo không bị gián đoạn.

 “Mỗi xe có 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng. Trong quá trình trung chuyển bệnh nhân, y bác sĩ phải thường xuyên kiểm tra đường thở, nội khí quản, máy thở. Nếu bệnh nhân phải sử dụng thuốc thì phải chuẩn bị đầy đủ, huyết áp ổn định thì mới an toàn.” - bác sĩ Trung cho hay.

Một kiếp chuyển bệnh gồm một bác sĩ, một điều dưỡng.

Bệnh nhân trên chuyến xe này là chị T.D.H, theo hồ sơ bệnh án, chị H. có bệnh nền là tăng huyết áp và tiểu đường. Vì vậy, trong suốt quá trình trung chuyển, bác sĩ Trung và điều dưỡng phải liên tục kiểm tra các chỉ số và ống thở để đường truyền oxy của bệnh nhân không bị gián đoạn.

Sau 25 phút di chuyển, xe đã đưa bệnh nhân từ khu điều trị ở quận Bình Tân đến Trung tâm Hồi sức COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 13. Sau khi đưa bệnh nhân vào và tiến hành kiểm tra các chỉ số lại một lần nữa, bác sĩ Trung nhanh chóng quay trở lại để bắt đầu cho chuyến xe sau.

Trong suốt quá trình trung chuyển, bác sĩ Trung phải liên tục kiểm tra ống thở của bệnh nhân.

Trong buổi sáng, ekip chuyển bệnh của bác sĩ Trung đã trung chuyển được hơn 14 ca. Được biết việc trung chuyển này sẽ thực hiện xuyên đêm, dự kiến sẽ chuyển xong 44 ca thở máy trong hôm nay. Sau đó sẽ tiếp tục trung chuyển các bệnh nhân không thở máy.

Theo bác sĩ Đặng Minh Hiệu, chuyên gia Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược, 3 yếu tố ưu tiên hàng đầu trong quá trình vận chuyển bệnh nhân là an toàn, nhanh chóng và chính xác. Và khó khăn nhất của bệnh viện là phải đảm bảo máy móc và nhân lực đều chuẩn bị sẵn sàng.

Để chuẩn bị cho cuộc chuyển giao, từ 3 ngày trước, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược đã lên kế hoạch dự trù. Đầu tiên là phải đảm bảo đầy đủ máy móc, vì nhiều bệnh nhân thở máy thuộc trường hợp nguy kịch nên cần những máy móc chuyên dụng như máy thở di động.

Được biết, bệnh viện đã chuẩn bị 4 máy thở di động và 3 xe cấp cứu, trung bình mỗi xe 1 máy thở. Về nhân lực, đội ngũ đi xe cấp cứu là những bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn tốt nhất, đảm bảo xử lí được khi có tình huống bất ngờ xảy ra trên xe.

Sau 2 tháng miệt mài đồng hành cùng TP.HCM chống dịch, Trung tâm Hồi sức COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 13 của Bệnh viện Việt Đức đã hoàn thành nhiệm vụ. Các bệnh nhân còn lại tiếp tục được các y bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chăm sóc.

Để đảm bảo công tác vận chuyển, đội ngũ y tế của Bệnh viện Đại học Y Dược đã tập trung chuyển 44 ca thở máy, tiên lượng nguy kịch nhất

Sự an toàn và nhanh chóng được đặt lên hàng đầu trong việc vận chuyển bệnh nhân.

Dự kiến việc trung chuyển hết 69 bệnh nhân sẽ được hoàn thành trong ngày 15-10.

Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phụ trách, bắt đầu tiếp nhận F0 từ ngày 11-8. 

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trung tâm này đã được chuyển giao cho Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM quản lý.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm