Chiều 31-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Bá Xiêm, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, cho biết hiện nay nước sông Bùi đã rút được 10-20 cm, nên các hộ dân đều an toàn, không bị ngập lụt.
Tuy nhiên, xã vẫn chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn trực 24/24 giờ trên đê để kịp thời ứng phó nếu có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời, tiếp tục giữ phương án di dời khoảng 14.000 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Xã Nam Phương Tiến vẫn chìm ngập trong nước lũ nhiều ngày qua. Ảnh: VIẾT LONG
Theo người dân địa phương, trường hợp nước sông Bùi lên cao nước sẽ tràn vào nhiều khu vực huyện Chương Mỹ và các tỉnh lân cận: “Nhưng rất may tối qua không mưa nên nước sông rút…” - ông Nguyễn Văn Hội, người dân xã Thanh Bình, cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên, các xã vùng trũng, thấp như Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến... mực nước vẫn đang cao, có nơi ngập sâu hơn 2 m. Anh Trần Đình Hùng, cho biết nước ngập nửa tháng nay và gần như không rút nên sinh hoạt của người dân vô cùng khó khăn. Đặc biệt nhiều người bám trụ tại vùng lũ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như ghẻ, nước ăn chân…
“Nếu nước tiếp tục không rút thì cuộc sống của chúng tôi sẽ rất khó khăn, không những bệnh tật mà còn là câu chuyện kinh tế. Gần nửa tháng nay tôi không kiếm được đồng nào cả vì nước lũ vây ráp” - anh Hùng vẻ mặt buồn nói.
Mực nước sông Bùi sáng 31-7 đã rút xuống 10-20 cm. Ảnh: VIẾT LONG
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, hiện huyện Chương Mỹ còn 2.700 nhà bị ngập. Tình trạng ngập úng còn tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày tới.
Nước lũ cũng làm hơn 1.900 ha hoa màu, hơn 555 ha thủy sản bị ngập úng. Hiện TP Hà Nội đã di dời 5.167 người đến nơi an toàn.
Dù nước rút nhưng lực lượng chức năng vẫn tập trung quanh khu vực này để phòng sự cố xấu xảy ra. Ảnh: VIẾT LONG
Trong buổi họp giao ban công tác tháng 7-2018, sáng cùng ngày, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết đêm 30-7, đơn vị đã cung cấp đủ 10.000 bao cát để 500 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thủ đô đắp đê chống tràn ở đê tả Bùi. Đến sáng 31-7, mực nước tại khu vực tả Bùi đã ổn định (7,42 m), xuống được 10 cm nước nhưng vẫn đáng lo ngại vì nước xuống rất chậm.
Hiện nay, Sở NN&PTNT đang tiếp tục khảo sát toàn bộ đê hữu Bùi, hữu Tích và đê bao thuộc các xã của huyện Quốc Oai, Thạch Thất. Nếu nước tiếp tục lên cao, cần thiết Sở sẽ báo cáo UBND thành phố phương án xả nguồn nước để giữ được đê tả Tích, tả Bùi không để ngập lụt vào nội đô cũng như cứu trợ đảm bảo cuộc sống người dân.
Dự báo nước lũ rút chậm nên nhiều xã tiếp tục bị ngập thêm nhiều ngày nữa. Ảnh: VIẾT LONG
Đối với huyện Chương Mỹ, Sở LĐ-TB&XH cũng đề xuất thành phố cung cấp thêm nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân như nước uống, gạo, nến... để bảo đảm cuộc sống người dân vùng ngập lụt.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết hiện huyện Chương Mỹ còn bốn xã, với khoảng 1.000 hộ dân bị ngập sâu trong nước. Theo ông Chung, đây là khu vực nằm trong vùng quy hoạch thoát lũ. Do đó, mặc dù thành phố đã chủ động ứng phó nhưng do lượng mưa lớn nên ngập úng vẫn xảy ra. Trong thời gian tới, các giải pháp để người dân sống chung với lũ như hệ thống cấp nước, nhà cửa, hạ tầng đi lại sẽ được thành phố quan tâm hơn.
Đường vào xã Nam Phương Tiến sáng 31-7 ngập nước, nhiều người dân phải sơ tán cả tuần nay chưa về nhà. Ảnh: VIẾT LONG
Chủ tịchTP Hà Nội cũng giao các cơ quan đơn vị của TP tiếp tục ứng trực, ứng phó với mọi tình huống ở Chương Mỹ. Hiện nước đã rút khoảng 10 cm và đang tiếp tục rút chậm nhưng cần đề phòng tình huống có mưa lớn trở lại để ứng phó tốt hơn nữa.
Các đơn vị đôn đốc cung cấp nước sạch cho người dân, tuyên truyền để bảo đảm an toàn cho người dân khi lưu thông đi lại. Khi nước rút, Sở Y tế chủ trì, giao Trung tâm Y tế dự phòng thành phố chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, cùng nhân dân tổ chức vệ sinh môi trường sạch sẽ, không để bùng phát dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, đây là khu vực nằm trong vùng quy hoạch thoát lũ. Ảnh: VIẾT LONG
Sở Giáo dục và đào tạo chuẩn bị mọi điều kiện, đôn đốc các trường chuẩn bị cho việc khai giảng năm học mới, sẵn sàng đón học sinh nhập học.
Nước sông Cửu Long đang lên Ngày 31-7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp ứng phó với thiên tai khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết do tác động nhiều yếu tố, trong đó có vỡ đập tại Lào, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL đang diễn ra rất nghiêm trọng, lũ từ thượng nguồn đổ về đang lên nhanh, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân và Nhà nước, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL. Dự báo trong 10 ngày tiếp theo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên và đạt mức cao nhất vào ngày 13-8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu lên mức 3,7 m (trên báo động (BĐ) 1 là 0,20 m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc lên mức 3,1 m (trên BĐ1 là 0,10 m), sau đó biến đổi chậm. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An. Đỉnh lũ năm 2018 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ2 và trên BĐ2, tương đương đỉnh lũ TBNN. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10-2018. |