Những ngày rằm vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh (quê xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đặt gánh tò he ở một góc sân chùa Giác Lâm (quận Tân Bình, TP.HCM).
Nhiều em bé theo cha mẹ đã dừng lại say sưa ngắm cách người phụ nữ này tạo ra những con tò he. Một em bé nói: “Bà nặn cho con một chú siêu nhân đi!”. Trên bàn tò he đã có vài mẫu siêu nhân nhưng cậu bé không chịu, vì “siêu nhân của cháu phải mặc áo xanh cơ”. Mẹ của cậu bé đưa cho bà xem ảnh “siêu nhân áo xanh” lưu trong điện thoại. Bàn tay khéo léo của bà ngắt lấy miếng bột, xoa xoa vo vo tạo hình, chỉ trong vài ba phút bà đã nặn xong siêu nhân cho cậu bé. Cậu bé phấn khích đến mức cứ đứng ngắm, không chịu rời đi.
Không có yêu cầu nào từ bọn trẻ hay của phụ huynh có thể làm khó được bà Thanh. Chỉ cần cho xem mẫu, chỉ vài phút sau bà đã nặn được một con tò he giống cùng khuôn đổ ra. Người nghệ sĩ đường phố ấy có dáng vẻ của một phụ nữ quê chất phác, lam lũ nhưng gương mặt thì luôn lấp lánh niềm vui. Bà Thanh chia sẻ: “Hôm nay tôi làm luôn tay, vui lắm. Tôi chỉ lấy 10.000 đồng/con tò he thôi, cháu nào thích mà không có tiền mua tôi tặng cho ngay. Bây giờ người ta lại thích đồ chơi truyền thống, thật không gì vui bằng”.
Bà Thanh cùng chồng vào TP.HCM đã 17 năm. Cả hai vợ chồng bà đều mang theo nghề tò he truyền thống của gia đình vào Nam lập nghiệp. Bà đến các công viên, cổng trường học, các khu vui chơi ngồi nặn tò he. Nhưng cũng có những tháng ngày mà gánh tò he của bà gần như vô hình giữa tấp nập thị thành, khi mà đồ chơi Trung Quốc giá rẻ tràn ngập khắp nơi. Bà Thanh kể: “Có lúc kiếm được ít quá, không đủ gạo ăn, tôi bỏ nghề đi làm việc khác. Nhưng lúc nào cũng bị buồn tay buồn chân, đêm không ngủ được, tay không có gì mà cứ vê vê như đang nặn bột. Tôi lại phải quay lại với gánh tò he. Cha tôi ngày xưa cũng có bỏ nghề được đâu”.
Bà Thanh với gánh tò he giữa phố mà cả bà lẫn bọn trẻ đều chưa bao giờ nguôi niềm say mê. Ảnh: HỒNG MINH
Tiền lãi là những nụ cười trẻ thơ
Nguyên liệu để nặn tò he không có sẵn trên thị trường. Bà tự đi mua gạo nếp về rang, xay thành bột, rồi lại nhào bột, trộn phẩm màu vào. Nhiều em bé thấy mùi nếp thơm định ăn như kẹo, bà phải căn dặn phụ huynh: “Đây là màu công nghiệp, không ăn được đâu nhé”. Màu thực phẩm không có nhiều màu bắt mắt mà giá thành lại cao nên bà phải chọn phẩm màu công nghiệp. Bà nói: “Ngày xưa bọn trẻ chơi xong sẽ ăn được luôn. Nhưng bây giờ không được thế, ngay cả có màu thực phẩm thì ngoài đường sá thế này cũng không đảm bảo vệ sinh”.
Nghề tò he thường gắn liền với những nghệ nhân nói giọng xứ Bắc. Mang tò he đi tha phương, bà Thanh mong muốn người phương Nam sẽ biết và yêu hơn nghệ thuật nặn tò he. |
Bà Thanh không giấu nghề, ai muốn học bà chỉ ngay nhưng có lẽ rồi chẳng ai đủ kiên nhẫn học cái nghề phơi mình ra nắng gió mà chẳng biết tương lai thế nào. Nhưng năm anh em nhà bà Thanh vẫn cứ bám trụ với nghề, mang tò he từ quê nhà Phú Xuyên phiêu bạt khắp nơi. Riêng bà đã ổn định cuộc sống, có nhà cửa ở quận Tân Phú. Bà nói: “Giờ cũng sống được, cũng đủ gạo ăn đấy. Ngày rằm đông người cũng kiếm được bốn, năm trăm ngàn đồng. Khi nào vào được lễ hội thì khá hơn tí. Ngày bình thường thì cũng hai, ba trăm ngàn”. Và bây giờ con gái bà cũng yêu nghề mà học nặn tò he.
Bà Thanh xem những nụ cười là những đồng lời. Có cô bé muốn bà nặn cho một nhân vật em thích nhưng lại không có mẫu, thế là cô bé và phụ huynh phải ra sức “làm văn tả người” để bà nặn cho giống. Khi cầm tò he trên tay, cô bé cười khúc khích mãi, bà nói rằng cũng vui đến mấy ngày. Mất công thế nhưng bà cũng chỉ lấy 10.000 đồng, con tò he nào khó nặn nhất giá mắc nhất là 20.000 đồng.
Chúc cô bé sẽ giữ được những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ, để khi gặp lại một gánh tò he nào đó trên phố, cô sẽ lại khúc khích cười.