Báo cáo của Bộ Công an cho hay từ 1-1-2016 đến nay, Bộ Công an đã cấp được 5,5 triệu căn cước công dân/số định danh cá nhân. Tuy nhiên, việc cấp số định danh cá nhân đang có những tồn tại, vướng mắc trên thực tiễn do chưa được triển khai đồng bộ trên toàn quốc.
Cụ thể, hệ thống cấp căn cước công dân của Bộ Công an mới được tổ chức triển khai trên 16 tỉnh, thành phố và hệ thống đăng ký khai sinh điện tử của Bộ Tư pháp mới thực hiện trên 12 tỉnh, thành phố.
“Đề nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân để mở rộng phạm vi triển khai đồng bộ trên cả nước”- Bộ Công an kiến nghị.
Đại diện Bộ Công an cho biết việc triển khai Đề án hiện không thiếu vốn mà đang vướng về thủ tục hành chính.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam lo ngại, thực tế có việc mua biển số xe đẹp thì cũng có thể xuất hiện tình trạng chạy số định danh cá nhân đẹp cho bản thân. Ông Nam cũng lo ngại nếu tương lai có việc tách - nhập địa giới hành chính các tỉnh thì có ảnh hưởng tới việc cấp mã số định danh cá nhân hay không?
Ông Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an khẳng định: “Số định danh cá nhân cấp ngẫu nhiên, không thể chạy được, cũng không thể cấp trùng nhau được”.
“Mã cấp không giữ lại thì không có tình trạng “chạy”, còn nếu giữ lại thì chắc chắn sẽ có “chạy””- Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Giải thích về quy trình cấp số định danh cá nhân, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) Trần Hồng Phú cho biết, mã số định danh cá nhân gồm 12 số, 3 số đầu mặc định là mã của 63 tỉnh, thành trong nước hoặc mã của 295 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Công dân Việt Nam sinh ở tỉnh nào hoặc quốc gia nào sẽ có mã cố định. Số thứ 4 xác định giới tính. Số thứ 5-6 là năm sinh, 6 số cuối là ngẫu nhiên.
Ông Vệ cũng khẳng định chắc chắn: “Không có chuyện chọn số”.