Trong chương trình thí điểm, bộ phận hộ tịch ở các địa phương này kết nối với hệ thống đăng ký khai sinh của Bộ Tư pháp. Hệ thống này lại kết nối với phần mềm cấp số định danh cá nhân. Do đó, trẻ sinh sau 1-1-2016 được Bộ Tư pháp cấp ngay mã số định danh, sử dụng suốt đời. Còn trẻ sinh trước đó thì việc cấp mã số sẽ do ngành công an thực hiện.
Hệ thống số định danh là một bước tiến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới người dân. Trong tương lai, khi có mã số rồi, mọi thủ tục hành chính liên quan đến người dân sẽ được kết nối qua mạng. Người dân không cần phải mang theo nhiều giấy tờ như hiện nay nữa.
Hệ thống đăng ký khai sinh trực tuyến
Tuy nhiên, theo ông Khanh, hiệu quả thực tế còn phụ thuộc vào năng lực phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin của các ngành. Vì mỗi ngành phải phát triển tốt hệ thống giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến của mình, đồng thời kết nối được với hệ thống số định danh thì việc cấp mã số định danh mới có ý nghĩa.
“Như trong lĩnh vực tư pháp, đăng ký khai sinh theo hệ thống thí điểm, mỗi trường hợp chỉ mất một phút. Sau này, muốn cấp trích lục khai sinh chỉ việc thông báo số định danh, cán bộ hộ tịch bấm máy là in ra được ngay” - ông Khanh cho biết.
Kết quả thí điểm hệ thống đăng ký khai sinh của Bộ Tư pháp bước đầu cho thấy hiệu quả tùy thuộc rất lớn vào năng lực của địa phương. Chẳng hạn, từ khi thí điểm (ngày 4-1-2016 tới nay), ở bốn TP và một huyện tham gia hệ thống vẫn còn 130 bộ phận tư pháp - hộ tịch chưa vận hành trực tuyến được. Sai sót trong nhập dữ liệu vẫn còn lớn, trong đó Hà Nội nhiều nhất, với trên 300 trường hợp, trong khi huyện miền núi sát biên giới của tỉnh Nghệ An chỉ sai hai trường hợp… Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật mà Bộ Tư pháp trực tiếp vận hành cũng chưa đáp ứng được để mở rộng hơn nữa phạm vi thí điểm.
Những vấn đề trên sẽ phải khắc phục thì năm 2020 mới có thể triển khai trên toàn quốc như lộ trình đã đặt ra.