Đa dạng dạy học trực tuyến ở TP.HCM

(PLO)- Tận dụng công nghệ thông tin và tài nguyên số có sẵn, nhiều trường học tại TP.HCM linh hoạt triển khai việc dạy học trực tuyến.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đề án chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT, từ nay đến 2025, các trường trung học sẽ dành 10% chương trình để giảng dạy trên Internet.

Với đặc thù riêng, Sở GD&ĐT TP.HCM đã nâng tỉ lệ giảng dạy trên Internet lên 35% ở bậc trung học, lộ trình thực hiện đến năm 2025.

Ôn tập kiến thức cũ

Ông Đinh Văn Trịnh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Khải, quận 12, cho biết từ sau dịch tận dụng cơ sở dữ liệu sẵn có, nhà trường thực hiện việc dạy học trên nền tảng Internet cho đến bây giờ. Việc dạy học trực tuyến chủ yếu ôn tập, củng cố kiến thức.

Lớp học ảo tại Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Lớp học ảo tại Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Mỗi học sinh (HS) sẽ có một tài khoản trên phần mềm K12 online để giáo viên (GV) giao bài. GV sẽ phân chia HS theo các mức độ giỏi, khá, trung bình và dành thời gian ôn tập cho các em vào các thời điểm thích hợp. Giờ giấc dạy học đều được GV trao đổi với gia đình để có sự phối hợp” - ông Trịnh nói.

Cũng theo ông Trịnh, ban đầu việc thực hiện dạy học trực tuyến cũng gặp khó khăn do nhiều phụ huynh chưa hiểu nên phản ứng. Tuy nhiên, sau khi được nhà trường giải thích, phụ huynh yên tâm và cùng con tham gia.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, chia sẻ hiện nay cấu trúc chương trình rất nặng. Với một tiết học trên lớp, GV khó có thể chia sẻ hết lượng kiến thức bài học. Vì thế, GV sẽ đưa một số nội dung ôn tập lên hệ thống để HS tìm hiểu và có thời gian nghiên cứu.

Ngoài ra, việc dạy học trực tuyến cũng được thực hiện khi có những tình huống phát sinh. GV bị bệnh sẽ liên hệ với nhà trường, thông báo với lớp để kết nối màn hình máy chiếu thực hiện dạy học trực tuyến.

“Do đó, dù GV không thể đến trường nhưng với công nghệ và kinh nghiệm sẵn có, HS vẫn tiếp cận được kiến thức bình thường. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học không làm gián đoạn quá trình học tập của HS” - ông Phú nhấn mạnh.

Dạy học kiến thức mới

Dạy học trực tuyến cũng đang được một số trường triển khai để dạy kiến thức mới. Bà Nguyễn Thị Hồng Lam, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Gò Vấp, chia sẻ trường triển khai một chuyên đề dạy học theo ba bước gồm: Bước 1 là giao nhiệm vụ cho HS chuẩn bị bài, bước 2 là hình thành kiến thức và bước 3 là rèn luyện kỹ năng kiến thức.

Tổ bộ môn sẽ chọn lựa những chuyên đề phù hợp để bước 1 và bước 3 thực hiện trên môi trường Internet. Việc dạy học trực tuyến tại trường thực hiện khá hiệu quả vì HS và GV đã quen với cách học này.

“Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT, sẽ có 35% bài học thực hiện dạy học trực tuyến nhưng sẽ có môn nhiều, môn ít. Điều này phụ thuộc vào đặc trưng của từng môn học, từng chuyên đề học tập. Các nội dung chuyển qua dạy học trực tuyến đều được thống nhất trong tổ và có trong kế hoạch giáo dục của từng bộ môn. Trường cũng khuyến khích các tổ có một bài kiểm tra thường xuyên sử dụng hình thức trực tuyến” - bà Lam nói thêm.

Tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ mặc dù dạy học trực tuyến nhưng không phải cắt giờ học trực tiếp để triển khai.

Tại trường, việc dạy học trực tuyến gặp nhiều thuận lợi. Tài nguyên trực tuyến đã được trường xây dựng từ năm 2019 như phòng ốc, lắp đặt mạng WiFi tại các phòng máy, cabin. Từ năm học 2023-2024, các tổ bộ môn phải xây dựng kế hoạch giáo dục của mình trên tinh thần từng bước áp dụng dạy học trực tuyến ở một số chuyên đề, bài học. Cụ thể, nhà trường áp dụng tỉ lệ dạy học trực tuyến 20% trên tổng thời lượng chương trình các môn công nghệ, thể dục quốc phòng, nghề, giáo dục công dân, lịch sử, địa lý, nhạc, họa.

Từ năm học 2024-2025 và những năm học tiếp theo, trường áp dụng tỉ lệ dạy học trực tuyến 35% trên tổng thời lượng chương trình các môn học.

“Trước đây, HS chủ yếu học tại lớp. Còn theo mô hình chuyển đổi số, nhà trường có thể giảng dạy HS tại các phòng học với đầy đủ trang thiết bị. Trên giờ học trực tiếp đó, GV sẽ hướng dẫn HS khai thác các tài nguyên và dữ liệu trên môi trường trực tuyến” - ông Minh nói thêm.

Đối với các trường ở địa bàn xa xôi và thiếu GV tiếng Anh như Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ, việc dạy học trực tuyến cũng được quan tâm triển khai.

Ông Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An, chia sẻ trường chỉ có một GV tiếng Anh trong khi theo định biên phải có hai GV.

“Trước khó khăn trên, với sự hỗ trợ của sở và đơn vị liên quan, trường đã tổ chức mô hình lớp học ảo. GV giảng dạy trực tuyến do Sở GD&ĐT tuyển chọn, bồi dưỡng, tập huấn. Lớp học ảo được lắp đặt đầy đủ trang thiết bị. Các em sẽ học bốn tiết/tuần vào thứ Hai. Trường sẽ phân công GV trợ giảng giám sát và hỗ trợ các em trong quá trình học. Với lớp học này, ngay cả khi không có GV, HS vẫn được tiếp cận với môn học một cách thích thú thông qua công nghệ” - ông Bình nói thêm.

Hiểu đúng việc dạy 35% giờ học trực tuyến

Một số trường hiểu chưa đúng hoặc còn lúng túng trong việc thực hiện dạy học trực tuyến với tỉ lệ 35%. Một số đơn vị cho rằng 35% nội dung chương trình được triển khai dưới hình thức trực tuyến là có 30 tiết/tuần, như vậy sẽ tính tỉ lệ 35% dạy trên Internet. Cách hiểu này không đúng. Tỉ lệ 35% dạy học trực tuyến có nghĩa là nội dung của chương trình được chuyển tải thông qua hệ thống Internet. Điều này không có nghĩa là cắt xén cơ học số giờ đang dạy học trực tiếp trên lớp để chuyển qua hoàn toàn.

Các trường có thể đưa nội dung của chương trình lên hệ thống quản lý học tập. Hệ thống đó có thể là LMS hoặc là một hệ thống khác nhưng phải thỏa mãn tiêu chuẩn của quy định chuyển đổi số. Các GV vẫn lên lớp giảng dạy bình thường nhưng dành ít nhất 35% khối lượng bài giảng giao qua LMS để cho HS tự học.

Ông LÊ DUY TÂN, Trưởng phòng Giáo dục trung học,
Sở GD&ĐT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm