Ông Trung cho biết đã yêu cầu Chi cục Thú y đình chỉ ngay tổ trưởng và hai tổ phó thuộc Chi cục Thú y để phục vụ cho công tác. Ông Trung cũng yêu cầu lãnh đạo Chi cục Thú y, lãnh đạo Trạm Thú y huyện Củ Chi và 17 cá nhân ở lò mổ này làm bản kiểm điểm.
Ông Nguyễn Phước Trung giải trình tại phiên họp. Ảnh: TÁ LÂM
"Trong buổi chào cờ đầu tuần hôm qua (2-10) tại Sở, tôi đã nói quan điểm phải xem vụ việc lần này là một tội ác. Không thể chấp nhận việc tiếp tay cho tội ác. Nếu phát hiện có tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ thì có thể buộc thôi việc" - ông Trung nói.
Về vụ việc này, ông Trung cho biết thêm đã xử lý được khoảng 1.900 con heo bị tiêm thuốc ngủ an thần, hiện còn tồn hơn 1.700 con.
"Vẫn còn tình trạng các thương lái cố tình chống đối. Điển hình như chiều qua có người đã tụ tập khoảng 40 cá nhân đến gây rối, cản trở việc tiêu hủy heo" - ông Trung nói và cho biết để vãn hồi
trật tự, Sở đã phải nhờ đến lực lượng Công an huyện Củ Chi đến tận nơi để kiểm soát tình hình.
"Mục tiêu của chúng tôi là kiên quyết không để lọt bất cứ con heo nào ra ngoài. Bởi đã có heo bị lở mồm long móng" - ông Trung nói thêm.
Về nơi tiêu hủy heo, ông Trung cho biết đã liên hệ lãnh đạo bãi rác Đông Thạnh nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, theo công suất và khả năng bình thường, bãi rác chỉ có thể tiếp nhận khoảng 500 con heo mỗi ngày. Sau khi vận động thuyết phục, phía bãi rác đã linh động tiếp nhận mỗi ngày 1.000 con, đem vào kho lạnh trữ sau đó đem tiêu hủy dần.
Ông Lê Minh Hải, Phó Ban
quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết thêm khi Thanh tra Bộ NN&PTNT phát hiện ra sự việc heo trước khi giết mổ đã bị tiêm thuốc an thần không đúng quy định, lực lượng thanh tra đã tiến hành thu giữ và lấy mẫu kiểm định. Trước việc này, lãnh đạo ban quản lý đã tham mưu cho UBND TP chỉ đạo tịch thu toàn bộ con heo đã bị tiêm thuốc an thần này.
Sau đó, ban quản lý cũng chỉ đạo cho toàn bộ đội quản lý an toàn thực phẩm của Ban trên địa bàn TP khẩn trương rà soát và giám sát các sản phẩm động vật đã lưu thông trên địa bàn TP. Qua giám sát, đến nay chưa có chứng minh được các con heo đã
tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á đã được đưa ra thị trường.
Ông Hải thông tin trong thời gian tới, Ban quản lý
An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo UBND TP thực hiện nghiêm túc công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó có việc phối hợp với Sở NN&PTNT kiểm tra giám sát tất cả khâu từ khi sản xuất chăn nuôi đến khâu giết mổ đưa ra thị trường.
"Có như vậy mới đảm bảo được nguồn an toàn thực phẩm cho người dân TP, chứ hiện tại về thẩm quyền của Ban chưa có tham gia cùng Sở NN&PTNT kiểm soát trong quá trình giết mổ tại các lò giết mổ của TP" - ông Hải nói.
Như báo Pháp Luật TP.HCM trước đó thông tin, tối 28-9, Bộ NN&PTNT phối hợp với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đã bất ngờ kiểm tra cơ sở giết mổ Xuyên Á.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng bắt quả tang heo tại đây đang bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào giết mổ. Cơ quan chức năng còn phát hiện sáu vỏ chai thuốc Combistress (một dạng thuốc an thần), hơn 50 chai đã pha thuốc an thần (500 ml/chai).
Sau buổi làm việc, cơ quan chức năng cho phép đưa vào giết mổ khoảng 500 con heo xác định không bị tiêm thuốc an thần. Khoảng 5.000 con heo còn lại ngưng đưa vào giết mổ do nghi ngờ đã bị tiêm thuốc. Cơ quan chức năng cũng đã lấy hơn 70 mẫu nước tiểu heo để xét nghiệm.
Một thành viên trong đoàn kiểm tra cho biết tiêm thuốc an thần cho heo nhằm mục đích giúp thịt mềm, dẻo…