Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định như thế tại buổi kiểm tra và làm việc với Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, sáng 12-7.
Sẵn sàng thu hồi sân golf
Đề cập đến hai sân golf Tân Sơn Nhất và Long Biên, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết ngay từ đầu năm Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo dừng toàn bộ các hoạt động xây dựng các dịch vụ xây dựng công trình nhà hàng, khách sạn, biệt thự, căn hộ cho thuê, chứ không phải chờ Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng mới làm việc này.
“Tôi yêu cầu dừng lại”- ông Lịch nói và khẳng định quan điểm của Bộ Quốc phòng luôn sẵn sàng thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất nếu Chính phủ yêu cầu để mở rộng sân bay. Tuy nhiên, ông Ngô Xuân Lịch đề nghị việc thu hồi đất phải đúng pháp luật, theo quy hoạch của Chính phủ, phục vụ cả cho lợi ích an ninh quốc phòng.
“Chúng ta cần tính đến lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp đầu tư vào sân golf. Nếu đã thu hồi thì cương quyết không cho phép bất cứ doanh nghiệp khác đầu tư vào khu vực đó"- ông Lịch khẳng định.
Ông Ngô Xuân Lịch cũng thông tin, từ năm 2013 Bộ Quốc phòng đã bàn giao hơn 1.500 ha đất quốc phòng cho 13 sân bay địa phương mở rộng sân bay, xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế.
Xử nghiêm sai phạm sử dụng đất quốc phòng
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định sẽ rà soát và bàn giao đất quốc phòng chưa sử dụng cho các địa phương để tạo điều kiện phát triển kinh tế. Ông cũng yêu cầu các đơn vị quân đội thực hiện tốt quy định, kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm trong việc sử dụng đất quốc phòng.
Ông Lịch cho biết trong những năm qua Bộ Quốc phòng đã bàn giao hàng nghìn ha đất cho các địa phương để phát triển kinh tế xã hội, trừ những vị trí trọng yếu liên quan đến thế trận phòng thủ. Ông Lịch khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các địa phương và các địa phương cũng nhất trí cao với quan điểm này.
Riêng tại TP.HCM, từ năm 2004 đến nay đã bàn giao 177,3 ha cho TP.HCM phát triển kinh tế - xã hội, khoảng 10,5 ha khác để mở đường giao thông. Riêng ở sân bay Tân Sơn Nhất đã 4 lần điều chỉnh quy hoạch, bàn giao hơn 98 ha cho Bộ GTVT xây dựng đường lăn, sân đỗ, khu vực bảo đảm kỹ thuật hàng không…
Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Ngô Xuân Lịch (trái) và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Giang
"Hiện nay TP.HCM đang kiến nghị mở một rộng một số tuyến đường như Tân Sơn, Hoàng Hoa Thám, Trần Quốc Hoàn... khoảng trên 6 ha. Việc này Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo thống nhất giao tiếp 14 ha để mở rộng đường lăn, sân ga ở phía Nam; thống nhất về chủ trương trên địa hình thực tế để TP.HCM mở rộng đường thêm 6 ha. Chủ trương có rồi, Bộ GTVT và TP.HCM làm chậm chứ không phải Bộ Quốc phòng làm chậm. Phải làm ngay, vướng cơ chế nào thì gỡ cơ chế đó, quan điểm của Bộ Quốc phòng sẽ tạo điều kiện tối đa”- ông Lịch nói.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết bản thân ông đi trên đường ở TP.HCM thấy kẹt xe cũng rất sốt ruột. “Nếu phần đất nào có liên quan đến đất quốc phòng, cái nào đáp ứng được, Bộ Quốc phòng sẽ tạo điều kiện phát triển giao thông, không để ách tắc như thời gian qua nữa”.
Trước đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết các tuyến đường vào cảng như Xa lộ Hà Nội, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Vành đai 2 luôn xảy ra ùn tắc giao thông ảnh hưởng đến đời sống người dân. Hiện nay vấn đề giải quyết ùn tắc cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất được lãnh đạo và người dân TP quan tâm. Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2017, tình hình giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, không còn ùn tắc giao thông kéo dài. Từ tháng 6 có tình trạng tái diễn trở lại, theo nhận định sản lượng qua cảng tăng 8-10%/năm dẫn đến lượng xe cộ tăng, áp lực lớn. trong năm 2017 hoàn thành nút giao thông Mỹ Thủy, 6 công trình khác hoàn thành trong năm 2018 sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông khu vực này. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhận định: giao thông Cát Lái vẫn có vấn đề, hệ thống giao thông kết nối yếu kém, sự phát triển không đồng đều giữa các cảng biển trong khu vực. |