43 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2-1979 – 17-2-2022)

Dâng hương lên các anh hùng liệt sĩ tại Vị Xuyên và di tích Pò​Hèn

Ngày 17-2, kỷ niệm 43 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17-2-1979 – 17-2-2022), nhiều đoàn đại biểu tỉnh đã đến thắp hương, tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử Pò Hèn ở xã Hải Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh và Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang.

Tri ân những người đã ngã xuống

Tại Khu di tích lịch sử Pò Hèn, các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới khi tuổi đời còn rất trẻ.

Khu di tích lịch sử Pò Hèn là nơi ghi dấu sự chiến đấu và hy sinh dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Đồn công an vũ trang 209 Pò Hèn (nay là bộ đội biên phòng) tỉnh Quảng Ninh.

Các cựu chiến binh trước tấm bia đá tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại núi Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.  Ảnh: TTXVN

Đài tưởng niệm Pò Hèn là di tích lịch sử, hai bên đài tưởng niệm là những tấm bia đá, ghi tên 86 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ vùng đất biên cương, trong đó có 45 liệt sĩ của Đồn biên phòng 209, còn lại là nhân viên thương nghiệp, cán bộ lâm trường cùng hy sinh vào đêm 17-2-1979 và 13 chiến sĩ của đồn hy sinh vào các thời kỳ sau đó.

Theo lãnh đạo xã Hải Sơn, chính quyền địa phương đã phối hợp với Đồn biên phòng Pò Hèn chăm sóc Đài tưởng niệm Pò Hèn; đồng thời tuyên truyền đến nhân dân, đồng bào các dân tộc trong xã, đặc biệt là các thanh thiếu niên, nhi đồng về niềm tự hào của địa phương, cùng nhau gìn giữ truyền thống lịch sử mà các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để cho mảnh đất Pò Hèn, xã Hải Sơn ngày một phát triển như hôm nay.

Tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), ngày 17-2, tấp nập người đến viếng, thắp nhang tri ân những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tưởng nhớ những đồng bào đã ngã xuống bởi đạn pháo của quân xâm lược.

Đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên có những cựu chiến binh đi thăm phần mộ đồng đội, vợ viếng mộ chồng, con thăm mộ cha và những đoàn khách từ mọi miền Tổ quốc.

Sau khi thắp nhang trên các phần mộ, đặt hoa trước Đài Tổ quốc ghi công, một cựu binh Tiểu đoàn 5 Vị Xuyên cho hay: Ngày 17-2-1979, đạn pháo của quân xâm lược dội vào toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam, suốt một dải 1.200 km từ Pa Nậm Cúm - Lai Châu đến Pò Hèn - Quảng Ninh.

Thời điểm đó, mảnh đất Vị Xuyên cũng hứng chịu những đợt pháo kích dữ dội từ bên kia biên giới. Đã có nhiều người dân Vị Xuyên chết bởi đạn pháo quân thù.

“Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên hiện có hơn 1.800 mộ liệt sĩ, trong đó có một ngôi mộ tập thể, hàng trăm mộ chưa xác định được thông tin” - cựu binh nói.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, mảnh đất Hà Giang là một trong những nơi có nhiều hy sinh, mất mát nhất của cả nước. Theo thống kê từ các đầu mối tham gia chiến đấu tại Hà Giang, giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1989 có trên 4.100 chiến sĩ hy sinh tại đây.

Đau đáu vì còn nhiều hài cốt chưa được quy tập

Thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, hàng chục năm qua, Hà Giang đã tìm kiếm, quy tập được hơn 2.900 hài cốt liệt sĩ, trong đó quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên hơn 1.800 liệt sĩ.

Theo chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, Hà Giang là tỉnh ra khỏi chiến tranh sau cùng của đất nước. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới bắt đầu từ năm 1979 và kết thúc vào năm 1989. Ở Hà Giang, hậu quả của nó để lại rất to lớn. Diện tích đất đai bị ô nhiễm bởi bom mìn trên địa bàn tỉnh sau chiến tranh lên tới hơn 90.000 ha.

Đến thời điểm hiện tại, Hà Giang dù đã rà phá được hơn 12.000 ha nhưng diện tích bị ô nhiễm bom mìn còn lại vẫn rất lớn. Vì vậy, ngoài những khó khăn do địa hình, địa vật thì bom mìn, vật nổ còn dày đặc, chưa giải phóng được là vấn đề gây rất nhiều khó khăn cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Tuy nhiên, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên tập trung thực hiện. Từ năm 2013 đến nay, Hà Giang đã tổ chức tìm kiếm, quy tập được 162 hài cốt liệt sĩ.

Theo Sở LĐ-TB&XH, Hà Giang hiện có hơn 2.900 mộ liệt sĩ ở chín nghĩa trang của tỉnh. Trong số đó có hơn 1.600 mộ là liệt sĩ có danh tính, còn lại là mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính. “Cuộc chiến bảo vệ biên giới đã đi qua hơn 40 năm nhưng tỉnh Hà Giang xác định việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là việc làm hết sức ý nghĩa nên tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện triển khai chương trình này” - vị lãnh đạo sở này nói.

Trước đó, ngày 7-2, đoàn lãnh đạo tỉnh Hà Giang do Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh dẫn đầu đã đến dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, đồng thời kiểm tra tiến độ đầu tư, nâng cấp nghĩa trang này.

Các nghĩa trang khu vực phía Bắc được đầu tư khang trang hơn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công, khẳng định từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến người có công với cách mạng, đây là truyền thống tốt đẹp, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của toàn dân tộc. Cạnh đó, ngành cũng đặc biệt quan tâm đến việc tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang.

Cụ thể, hằng năm Bộ LĐ-TB&XH đều bố trí kinh phí khoảng 600 tỉ đồng để các địa phương thực hiện tu bổ, tôn tạo nghĩa trang, các công trình ghi công liệt sĩ. “Việc phân bổ kinh phí này dựa vào nhu cầu, quy mô nghĩa trang của từng địa phương…” - ông Lợi cho hay.

Đối với các nghĩa trang và các công trình ghi công liệt sĩ khu vực phía Bắc, ông Lợi cho biết nhiều nơi đã được đầu tư nâng cấp khang trang hơn. “Nghĩa trang Vị Xuyên là một ví dụ”.

Về công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, ông Lợi cho biết hiện nay Bộ Quốc phòng đang được giao chủ trì để tìm kiếm và quy tập về các nghĩa trang. Còn Bộ LĐ-TB&XH chủ trì triển khai quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; chỉ đạo hoàn thiện bia, mộ liệt sĩ theo kết quả xác minh, kết luận. “Các công tác này vẫn đang được triển khai theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ” - ông Lợi nói. VIẾT LONG

 

(Theo TTXVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm