Sáng 24-10, đoàn giám sát do bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1, TP.HCM) về việc triển khai thực hiện các khoản đóng góp theo quy định và quỹ do ban đại diện cha mẹ học sinh (HS).
Tại đây, nhiều vấn đề về thu chi các khoản tiền được nhà trường, ban đại diện cha mẹ HS và đoàn giám sát trao đổi kỹ lưỡng để làm rõ.
Lót sàn gỗ, lắp bảng thông minh
Cụ thể, theo báo cáo của nhà trường, đây là năm thứ hai trường triển khai mô hình trường tiên tiến, hiện đại theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế. Tổng số HS hiện có là 876 em với 29 lớp, sĩ số không quá 30 em/lớp, 100% HS đều được học hai buổi/ngày. Trong đó, gần 300 HS khối lớp 1 và 2 của trường học theo mô hình tiên tiến.
Về các khoản thu, bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết với các em ở khối lớp không theo lớp tiên tiến, mỗi tháng chỉ đóng các khoản tiền theo quy định về thu hộ, chi hộ và thu theo thỏa thuận.
Còn với những em theo học lớp tiên tiến, ngoài các khoản thu theo quy định, mỗi em sẽ đóng thêm 1,5 triệu đồng/tháng. Theo bà Chi, số tiền này sẽ được chi cho các khoản gồm học hai buổi/ngày, tiếng Anh tăng cường và giao tiếp với người nước ngoài, tin học, năng khiếu, kỹ năng sống, toán tư duy Lego, ngoại khóa và tiền cơ sở vật chất.
“Do những lớp này đòi hỏi trang thiết bị và điều kiện học hơn nên trường trích 260.000 đồng/em/tháng để hỗ trợ vật chất như trang bị bảng biểu cường lực, lót sàn gỗ, lắp tủ cá nhân và tủ đựng mũ bảo hiểm cho mỗi em, kệ truyện mini, trang trí lớp... Các em đóng tiền một lần và sử dụng cho suốt năm năm, các năm sau các em chỉ đóng một khoản nhỏ để thay đổi một vài nội dung cho phù hợp với lớp học trên thôi. Các lớp này còn được lắp các bảng thông minh đa điểm chạm do phụ huynh hỗ trợ để phục vụ học tập” -bà Chi nói.
Trao đổi về các khoản này, các đại biểu trong đoàn giám sát cho rằng mức thu này cao so với thu nhập chung của người lao động, lo ngại các em khó khăn sẽ khó theo học được. Chưa kể, hầu hết các khoản thu đều kịch trần so với khung quy định.
Về vấn đề này, bà Chi cho hay: Do học theo mô hình tiên tiến đòi hỏi số HS ít trong khi phải đảm bảo nhiều mặt về cơ sở vật chất và trang thiết bị nên mức thu sẽ cao. Tuy nhiên, do đối tượng tuyển sinh theo đăng ký của phụ huynh trong toàn quận chứ không phân tuyến như trước nên ngay từ đầu, phụ huynh nào cảm thấy đủ điều kiện mới đăng ký. Trong đó vẫn ưu tiên nhất cho con em ở trong phường. Còn với những em không đủ điều kiện buộc phải sang học ở những trường lân cận khác.
"Riêng về mức thu, trường dựa trên tính toán chi cụ thể và trao đổi, thỏa thuận với phụ huynh mới đưa ra các mức thu này để đảm bảo đủ chi cho mọi hoạt động của trường" - bà Chi cho hay.
Một tiết học âm nhạc của HS Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học.
Một lớp học theo mô hình tiên tiến của Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học được trang bị hiện đại, lót sàn gỗ, bảng thông minh đa điểm chạm...
Tự nguyện nhưng thu theo mức chung!
Về các khoản đóng góp từ phụ huynh HS, đại diện từ ban đại diện cha mẹ HS cho biết mức thu hỗ trợ chung bình quân 250.000 đồng/em/năm nhưng trên tinh thần tự nguyện của mỗi phụ huynh. Số tiền thu được sẽ dùng để chi khen thưởng và chăm lo các hoạt động cho các em trong năm. Ngoài ra, một số hạng mục mà ban thấy cần thiết phải làm để phục vụ cho các em nên đang kêu gọi hỗ trợ để thực hiện như lắp thêm camera cho trường, lắp trạm điện riêng và thay toàn bộ dây điện, sắm bảng thông minh...
Sau khi lắng nghe và kiểm tra hồ sơ sổ sách về việc thu chi ở trường, bà Triệu Lệ Khánh cho rằng: “Dù mục đích của ban đại diện là tốt nhưng ban đưa ra mức thu bình quân chung là 250.000 đồng/em thì sao gọi là tự nguyện được, như thế là sai quy định. Chưa kể trong sổ sách các phiếu chi tiền phụ huynh nhưng chỉ có chữ ký của hiệu trưởng, kế toán và thủ quỹ, không hề có chữ kỹ của trưởng ban đại diện cha mẹ HS là không đúng”.
Một thành viên khác trong đoàn giám sát cũng cho rằng: “Ban nói thu tiền chỉ để chăm lo cho HS nhưng trong sổ sách và kế hoạch lại có nhiều mục chi cho tiền đám tang, tiền âm thanh sân khấu, hỗ trợ cơ sở vật chất... là không hợp lý so với quy định. Các khoản này không thể dùng tiền quỹ phụ huynh mà chỉ có thể đưa vào kế hoạch để sử dụng từ nguồn tài trợ. Kể cả các mục lắp camera hay máy móc cũng phải từ nguồn tài trợ riêng chứ không thể kêu gọi phụ huynh đóng góp để làm”.
Trả lời các vấn đề này, đại diện ban cha mẹ HS cho biết ban phải đưa ra mức thu chung để đảm bảo công bằng cho tất cả phụ huynh khi đóng tiền. Và đây cũng là mức thu cao nhất ban đưa ra để khi thu có thể san sẻ qua lại các mức đóng của phụ huynh, vì sẽ có người đóng ít, nhiều khác nhau chứ không nhất thiết phải đóng mức này.
Về không có chữ ký trong phiếu chi, vị này cho rằng do các thành viên trong ban quá bận nên chủ yếu thống nhất chi với trường thông qua điện thoại hoặc group chat, chứ không lên trường ký được. Riêng các khoản khác như chi đám tang cũng là cho những em có phụ huynh mất, hoặc các hạng mục cơ sở vật chất khác cũng chỉ để phục vụ an toàn và học tập cho các em nên ban thấy cần thiết phải làm.
Sau khi trao đổi qua lại, bà Triệu Lệ Khánh cho rằng ghi nhận sự nhiệt tình đóng góp và phối hợp với nhà trường của ban đại diện cha mẹ HS trong việc chăm lo giáo dục các em. Tuy nhiên, còn sự nhập nhằng giữa quỹ hoạt động của phụ huynh và các khoản tài trợ dẫn đến cách làm còn chưa đúng, từ thu chi, giữ tiền...
Bà Khánh đề nghị nhà trường và ban đại diện xem lại các quy định liên quan và điều chỉnh lại cách thu chi cho đúng quy định. Nên phân định rạch ròi tiền tự nguyện đóng quỹ phụ huynh và tiền tài trợ để chi cho đúng. Ban chỉ lên kế hoạch, còn đóng góp bao nhiêu là tùy từng phụ huynh, không được đưa ra mức thu chung và đồng thời phải công khai, minh bạch các khoản thu để phụ huynh nắm rõ.