Chiều 2-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (VN) và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) đề nghị mở rộng diện đơn phương miễn thị thực có thời hạn và Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ tiếp thu các kiến nghị và hoàn chỉnh dự luật. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Bước đột phá
“Tại bất kỳ cuộc gặp nào với cộng đồng doanh nghiệp ngoài nước, bao giờ người ta cũng nêu vấn đề thủ tục visa của VN” - đại biểu (ĐB) Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho hay đây là điều day dứt của ông suốt thời gian qua.
Ông Lộc cũng nhận xét VN có tiềm năng lớn về du lịch, là địa điểm hàng đầu trong thu hút đầu tư quốc tế nhưng lại “đi trước, về sau”.
“Chúng ta kiềm chế dịch COVID-19 rất tốt và chúng ta mở cửa về du lịch rất sớm, sớm hơn rất nhiều nước ASEAN nhưng chúng ta lại không đạt được thành quả như họ vì chính sách visa của chúng ta chưa đủ cởi mở” - ĐB Hà Nội nói thêm.
Ông Vũ Tiến Lộc ủng hộ chủ trương tại dự thảo luật về việc cấp visa điện tử và được sử dụng nhiều lần thay cho một lần; nâng thời hạn từ không quá 30 ngày lên không quá ba tháng; mở rộng diện, điều kiện cấp visa điện tử cho công dân các nước và vùng lãnh thổ… “Đây thực sự là một bước đột phá” - ĐB Lộc nhận xét.
Liên quan đến quy định nâng thời hạn cấp giấy chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực 15-45 ngày, ông Lộc đề nghị nâng lên mức 60 ngày.
“Chúng ta nâng lên 45 ngày là mức bình quân trong khu vực nhưng tôi nghĩ đây không còn là tiêu chuẩn của chúng ta” - ông Lộc cho rằng tiêu chuẩn của VN là vươn tới mức hàng đầu, nhóm 3, nhóm 4 trong ASEAN ở mọi lĩnh vực.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) đề xuất nên xem xét cho phép thời gian tạm trú lên 60 ngày để “từng bước tương đồng với các nước trong khu vực”. Theo ĐB Phương, đây là thời gian phù hợp cho khách nước ngoài có chuyến đi đủ dài để nghỉ dưỡng, tham quan, chữa bệnh hoặc công tác…
ĐB kiến nghị cho người quá cảnh được ra ngoài khu vực mà không cần thị thực để tham quan, du lịch trong một khoảng thời gian nhất định.
Kiến nghị bổ sung cấp thị thực đa mục đích
Về việc VN hiện đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân 25 nước, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng con số này thấp hơn so với nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực.
“Có những đối tác đầu tư kinh doanh hàng đầu của chúng ta nhưng không được hưởng chế độ này vì trong luật của chúng ta thiếu một chữ. Chúng ta chỉ áp dụng đối với công dân các nước, chứ không có các vùng lãnh thổ. Dự thảo luật đã khắc phục điều này, chúng tôi rất hoan nghênh” - ĐB Hà Nội nói thêm.
ĐB Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) dẫn một nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá chính sách thị thực cởi mở, thuận lợi của các quốc gia là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng du lịch quốc tế.
ĐB Đồng Tháp dẫn chứng năm 2015, Indonesia triển khai miễn thị thực cho công dân của 169 nước với thời gian 30 ngày, lượng khách quốc tế của quốc đảo này sau đó tăng 24%, tạo ra 400.000 việc làm. Tương tự, chỉ sau hai năm áp dụng thị thực điện tử cho công dân từ 40 nước, lượng khách quốc tế đến Ấn Độ đã tăng hơn 20%, tạo ra 800.000 việc làm.
Đồng tình với nhiều quy định trong dự thảo, ĐB Đồng Tháp cũng đề nghị xem xét bổ sung loại thị thực đa mục đích, nhất là đối với thị thực cho khách nước ngoài vào dự hội nghị, hội thảo và thị thực cho người nước ngoài vào thăm, làm việc với các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức và địa phương. Theo ông, thực tế rất nhiều khách nước ngoài sau khi vào làm việc, dự hội nghị ở VN đều mong muốn được kết hợp đi du lịch. Theo quy định hiện hành, họ phải xin cấp thị thực du lịch sau khi kết thúc chương trình làm việc chính thức.
“Việc bổ sung quy định thị thực đa mục đích là cần thiết, giúp giảm thiểu thủ tục cho du khách và góp phần kích cầu du lịch” - ông Hải Anh nói.
ĐB này cũng kiến nghị xem xét, tạo điều kiện cho người quá cảnh đủ điều kiện được ra ngoài khu vực quá cảnh mà không cần thị thực để tham quan du lịch trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là miễn phí trong 48 giờ và thu phí nếu vượt quá 48 giờ.
Theo ông Hải Anh, quy định này được áp dụng rất thành công tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, giúp thu hút đáng kể khách quốc tế quá cảnh tại các sân bay, bến cảng…
Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tổng hợp ý kiến của các ĐB báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan có liên quan của Quốc hội tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo luật.
Theo nghị trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân VN và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN vào ngày 24-6.•
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân VN tập trung vào nhóm nội dung hoàn thiện quy định thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn...
Dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên ba tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ...