Theo thống kê, trên 7.000 lễ hội của cả nước là lễ hội dân gian, khoảng 330 lễ hội là lễ hội lịch sử, gần 550 lễ hội tôn giáo. Tỉnh có ít lễ hội nhất là Lai Châu với 17 lễ hội.
Đánh giá của Bộ VH-TT&DL trong tờ trình cuối tháng 4 cho thấy thực tế hiện nay tồn tại không ít lễ hội nặng về hình thức, quy mô hoành tráng, nặng về trình diễn nghệ thuật, đạo cụ, phô diễn tốn kém... Tuy nhiên, nội dung lễ hội chưa đảm bảo, còn đơn điệu, ít được đầu tư, sáng tạo, từ đó giảm tính tích cực, hấp dẫn của lễ hội. Ngoài ra, nhiều hiện tượng phục dựng không đúng, làm sai lệch nghi thức truyền thống. Tần suất tổ chức lễ hội hiện nay ở một số nơi là khá cao, mật độ dày.
Một số lễ hội còn có biểu hiện lãng phí, phô trương, nặng về hình thức, chưa khai thác hết tiềm năng sáng tạo văn hóa của nhân dân và vốn văn hóa dân gian vốn có ở địa phương. Hiện tượng thương mại hóa lễ hội, tổ chức lễ hội nghiêng về lợi ích kinh tế dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương nên tập trung khai thác giá trị kinh tế, dịch vụ, làm giảm giá trị truyền thống của lễ hội, ý nghĩa văn hóa tinh thần mờ nhạt.
Việc tổ chức lễ hội còn nhiều tồn tại liên quan đến công tác an ninh trật tự, ùn tắc giao thông, vệ sinh môi trường, hiện tượng chen lấn, xô đẩy, tranh giành đeo bám khách, cờ bạc trá hình còn diễn ra, việc nâng giá trị dịch vụ, đặt tiền công đức - giọt dầu tùy tiện, tệ nạn ăn xin, ăn mày... làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội.
Bộ cho rằng việc ban hành nghị định quy định về tổ chức lễ hội là cần thiết, khách quan và đề nghị xây dựng Nghị định về Quản lý và tổ chức lễ hội.
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội thì các lễ hội tiêu biểu của Hà Nội là lễ hội Phù Đổng, lễ hội Đống Đa, lễ hội Cổ Loa, lễ hội Mật, lễ hội chùa Hương, hội gò Đống Đa, hội chùa Thầy...