Hàng loạt hố ga thoát nước đang bị một số người dùng mọi cách bít lại để chặn mùi hôi. Hậu quả là khi mưa nước không có chỗ thoát, gây ngập và người dân… lại kêu khổ. Thực trạng này đang diễn ra tại nhiều quận, huyện ở TP.HCM như quận 3, Bình Thạnh, Bình Tân. Thậm chí như tuyến đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3, gần như 100% hố ga đều có vật cản che hết chỗ thoát nước.
Muôn kiểu bịt hố ga
Có đủ cách để “bức tử” hố ga. Nơi nhẹ thì người dân dùng bao tải phủ lên rồi lấy gạch đá chèn lại. Cũng có người dùng những tấm đan bằng sắt, bê tông chặn miệng cống. Thậm chí có không ít trường hợp dùng xi măng xây bịt luôn miệng cống cho chắc ăn! Những người làm việc này thường là chủ nhà có hố ga phía trước hoặc người buôn bán gần hố ga. Họ giải thích làm thế để hạn chế mùi hôi, còn việc gây ngập thì… tính sau.
Đầu tháng 6, chúng tôi đến đường số 2A, phường An Lạc A, quận Bình Tân và nhận thấy gần như toàn bộ cống thoát nước đều bị người dân bịt hết. Trước căn nhà số 2, một cống thoát nước đã bị chặn bằng tấm bê tông. Thấy PV chụp ảnh, chủ nhà phân bua: “Nếu không chặn cống lại thì ngồi trong nhà sẽ không chịu nổi mùi hôi. Ngoài ra chuột, gián cũng từ dưới cống rồng rắn bò vào nhà”.
Theo chủ nhà số 2, con đường trước nhà bà ngập nặng nhất trong toàn khu mỗi khi mưa xuống. Còn tại đường số 2B, bà Phạm Thị Hơn cùng rất nhiều hộ dân khác cũng đã bịt hết hố ga thoát nước. “Nếu không chặn miệng hố ga thì mỗi khi mưa xuống, cát và rác sẽ rơi xuống gây tắc cống, nước cũng không thoát được. Còn mỗi khi nắng lên là mùi hôi thối từ cống bốc lên, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chúng tôi” - bà Hơn nói.
Không chỉ trong khu dân cư mà ngay tại đường Tên Lửa, một con đường lớn tại quận Bình Tân có vỉa hè rất rộng, nhà dân khá xa với hố ga nhưng rất nhiều hố ga cũng bị người dân chặn hết.
Một cống thoát nước bị bịt kín mít trên đường Tên Lửa, phường An Lạc A, quận Bình Tân. Ảnh: VIỆT HOA
Sửa chữa 2.000 hố ga
Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP, tình trạng bịt hố ga thoát nước diễn ra lâu nay trên toàn TP. Năm 2016, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo các quận, huyện phải xử lý dứt điểm nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. “Khi phát hiện, chúng tôi đều có văn bản gửi cho các địa phương đề nghị khắc phục ngay” - ông Long nói.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết việc người dân bịt miệng thoát nước của hố ga khiến nhiều khu dân cư ngập cục bộ. Trong những cơn mưa lớn vừa rồi, khu vực đường số 7 và số 4 tại phường An Lạc A bị ngập nghiêm trọng. Có trận mưa phải mất năm tiếng nước trên các đường phố mới thoát hết.
Để khắc phục, UBND quận Bình Tân dự kiến cải tạo, sửa chữa lại toàn bộ 2.000 hố ga trên các tuyến đường do quận quản lý. Ông Nhựt cho biết nguyên lý của hố ga hiện nay là dùng nước để ngăn mùi thông qua máng chứa nước bên trong. Tuy nhiên, vào mùa khô, nước trong máng cạn đi khiến mùi hôi thoát ra ngoài.
“Chúng tôi sẽ khắc phục bằng cách thiết kế lại hệ thống thu nước, không dùng máng nữa mà dùng van ngăn bên trong. Van này đóng mở một chiều, khi có mưa hoặc triều cường thì tự động mở ra để gom nước vào. Khi không có nước thì van đóng lại nên mùi không thể bốc ra ngoài. Chúng tôi cũng thiết kế lại hệ thống miệng thu nước, không làm theo kiểu lồi lõm như hiện nay nhằm đảm bảo mỹ quan và an toàn cho người đi bộ” - ông Nhựt nói.
Ông Đỗ Tấn Long thông tin thêm: “Ngày 6-6, UBND TP đã chấp thuận chủ trương cho phép Sở GTVT thí điểm việc cải tạo hố ga để đảm bảo thoát nước, đồng thời ngăn mùi để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Sở GTVT sẽ làm thí điểm một số tuyến đường, nếu đảm bảo hiệu quả tốt thì sẽ nhân rộng trên toàn TP”.