Làng nhang Lê Minh Xuân rực rỡ sắc màu, tất bật vào vụ Tết

Làng nhang Lê Minh Xuân rực rỡ sắc màu, tất bật vào vụ Tết

(PLO)- Trong những ngày này, nhiều hộ dân tại làng nhang Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh đang tất bật chuẩn bị cho các đơn hàng Tết.

Nếu có dịp đi qua đường Mai Bá Hương, đường Thích Thiện Hòa (huyện Bình Chánh, TP.HCM) những ngày này, hẳn nhiều người sẽ nhìn thấy hình ảnh vàng rực xen lẫn đỏ thắm của những bó nhang đang phơi và nghe được cả mùi hương phản phất trong gió. Các hộ làm nhang tại đây cho biết mùi hương của nhang được lấy từ các loại vỏ quế, dó bầu, lồng mứt… với mục đích tạo mùi đa dạng cho các loại nhang được sản xuất.

Video: Làng nhang Lê Minh Xuân tất bật vào vụ Tết.
làng nhang lê minh xuân
Những bó nhang rực rỡ sắc màu tại làng nhang Lê Minh Xuân.

Gian nhà luôn rộn ràng tiếng máy xe, máy sấy

Theo ghi nhận của phóng viên PLO, dưới cái nắng gắt hơn 30 độ, nhiều hộ dân đang tất bật trải từng cây nhang ra phơi. “Người làm nhang thấy trời nắng thì mừng lắm, do một số hộ chưa có máy sấy. Nắng càng gắt thì nhang càng mau khô, lên màu càng đẹp” – chị Nhãn, công nhân làm nhang, cho biết.

lang-nhang-le-minh-xuan-6353.jpg
Nắng gay gắt là điều kiện thuận lợi để người dân mang nhang ra phơi.
lang-nhang-le-minh-xuan-4-4403.jpg
Quần áo, tay chân của người làm nhang đều "nhuốm" màu đỏ đặc trưng của nghề.

Tính đến nay, làng nhang Lê Minh Xuân đã có tuổi đời gần 100 năm. Làng nhang Lê Minh Xuân được biết đến là nơi sản xuất và cung cấp nhang số lượng lớn tại khu vực phía Nam. Theo thời gian, các hộ gắn bó với nghề truyền thống này dần thưa thớt. Ông Bảy, chủ hộ kinh doanh nhang tại đây, trăn trở: "Nghề này giờ chỉ còn những người lớn tuổi đeo bám, người trẻ bây giờ chẳng ai mặn mòi theo nghề. Phần vì nghề này khá cực, mà tiền thu về thì ít ỏi".

lang-nhang-le-minh-xuan-8-7229.jpg
Gia đình ông Bảy là một trong các hộ dân làm nghề nhang lâu đời nhất.

Trong khuôn viên sân nhà, ông Bảy cùng vợ tất bật bên chiếc máy xe nhang. Mỗi người một việc, ông Bảy thì cân bột, pha bột, đổ bột vào máy trộn rồi pha màu. Pha bột xong thì ông mang những cây nhang vợ mới làm chất vào khuôn, đẩy vào khu vực sấy nhang.

lang-nhang-le-minh-xuan-6-7030.jpg
Dù làm nghề nhang không mấy khá giả, song các hộ dân vẫn chọn bám trụ với nghề truyền thống này.
lang-nhang-le-minh-xuan-7-2308.jpg

Vợ ông Bảy thì túc trực bên cái máy xe nhang, chờ những cây nhang thành hình rồi gom lại, đặt vào cái rổ bên cạnh. Cứ thế, hai vợ chồng ông Bảy luôn tay, ngôi nhà chỉ còn nghe tiếng máy xe, máy sấy.

lang-nhang-le-minh-xuan-2-8665.jpg
Nhang thành phẩm vụt ra từ lỗ nhỏ trên máy xe nhang.

Theo ông Bảy, hai vợ chồng ông đã theo nghề được hơn 10 năm. "Gia đình tôi dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị các công đoạn, sau đó se nhanh và tranh thủ có nắng mang ra phơi. Thời gian để bột nhang khô là từ 4 đến 5 tiếng. Trong khoảng thời gian đó, người làm nhang phải thường xuyên đảo nhang để nhang khô đều và nhanh khô”, ông Bảy nói.

lang-nhang-le-minh-xuan-3-9185.jpg
Xong công đoạn trên, các bó nhang được trải ra phơi dưới trời nắng.
lang-nhang-le-minh-xuan-13-1765.jpg
Nhà nào có điều kiện có thể mua máy sấy.
lang-nhang-le-minh-xuan-1-484.jpg
Khi đã phơi đủ nắng, nhang sẽ được gom lại, chất vào xe, đẩy vào nhà và tiến hành bó lại thành thiên, mỗi thiên là 1.000 cây

Đơn hàng giảm so với các năm trước

Được biết, gia đình ông Bảy và nhiều hộ gia đình ở làng nhang Lê Minh Xuân đều được các công ty hỗ trợ máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất. Sau đó, nhang thành phẩm sẽ được công ty thu mua lại. Tiền công được tính trên mỗi thiên nhang.

Với mỗi thiên (1.000 cây) nhang, người làm nhang nhận được từ 4.000 đến 5.000 đồng tiền công. Trung bình với một máy, làm trong một ngày, gia đình ông Bảy có thể sản xuất được từ 60 đến 70 thiên nhang, thu nhập từ 250.000 đến 350.000 đồng/ngày.

lang-nhang-le-minh-xuan-14-7026.jpg
Các hộ dân làm nhang tại làng nhang Lê Minh Xuân đa phần đều đã lớn tuổi.

Khi được hỏi số tiền có đủ để trang trải cuộc sống hay không, ông Bảy cười bảo: "Không đủ cũng không thiếu, nhưng mình đã quen với cái nghề này rồi, bảo bỏ cũng khó bỏ".

lang-nhang-le-minh-xuan-12-5396.jpg
Thu nhập từ nghề nhang không mấy khởi sắc đối với các hộ dân nơi đây.

Hiện nay, đa số các công đoạn làm nhang đều được máy móc hóa, năng suất nhang làm ra vì thế cũng cao hơn nhiều so với lúc làm thủ công.

Chị Thắm, chủ cơ sở làm nhang trên đường Mai Bá Hương, chia sẻ: “Máy móc giúp tiết kiệm sức lao động cho người dân, nhưng từ đó, do làm bằng máy, nhà nào cũng có thể làm nên giá nhang bán ra đã giảm so với thời gian trước. Đơn hàng năm nay cũng giảm nhiều so với các năm trước do tình hình kinh tế khó khăn, chỉ khởi sắc hơn những ngày thường một chút”.

lang-nhang-le-minh-xuan-9-544.jpg
Nhiều người dân cho biết, năm nay thu nhập từ nghề làm nhang giảm nhiều so với các năm trước.
lang-nhang-le-minh-xuan-11-2483.jpg
Theo thời gian, máy móc dần thay thế sức lao động của con người.
lang-nhang-le-minh-xuan-16-104.jpg
Song chất lượng vẫn không thay đổi.

Nói về những khó khăn của nghề làm nhang, chị Thắm trải lòng: "Nghề này bên cạnh việc khó khăn về đầu ra, giá cả, còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Người làm nhang phải chịu nhiều bụi bặm, nắng noi mới cho ra đời những cây nhang".

lang-nhang-le-minh-xuan-15-2439.jpg
Dù nghề làm nhang ngày một khó khăn, bấp bênh, song vẫn không ai có ý định bỏ nghề.

Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng nhiều hộ dân tại làng nhang Lê Minh Xuân vẫn đeo đuổi, bám trụ với nghề, phát triển và gìn giữ làng nghề trăm tuổi không bị mai một.

Đọc thêm