Mưa lũ kinh hoàng: 20 người chết, nhiều người mất tích

Báo cáo mới nhất từ UBQG tìm kiếm cứu nạn cho biết tính đến chiều nay (11-10), áp thấp nhiệt đới gây mưa lũ đã làm 20 người chết, nhiều người mất tích và hơn 80 ngôi nhà bị sập hoàn toàn.

Số người chết tiếp tục gia tăng vì mưa lũ

Cụ thể, 20 người chết thì Thanh Hóa ba người; Nghệ An tám người, Sơn La năm người, Hòa Bình bốn người. Ngoài ra có 12 người mất tích, trong đó Yên Bái bốn người, Hòa Bình một người, Thanh Hóa ba người; Sơn La ba người, Quảng Trị một người. Số người bị thương là năm người với Hòa Bình một người; Thanh Hóa ba người và Sơn La một người.

Mưa lũ kinh hoàng tiếp tục xảy ra ở Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa khiến nhiều người chết và mất tích.

Ngoài thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản khác như nhà cửa, nông nghiệp... cũng đáng kể khi Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Tĩnh có 81 nhà sập, hàng ngàn nhà ngập nặng buộc phải di dời khẩn cấp.

Thanh Hóa chạm mức lũ lịch sử 1980

Trưa nay (11-10), Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã phát đi công điện hỏa tốc số 77/CĐ-TW gửi các tỉnh, thành phố liên quan khẩn trương ứng phó với lũ lụt trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh là Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và các bộ, ngành là Công Thương, NN&PTNT, TN&MT, GTVT, Công an… đẩy mạnh công tác ứng phó, cứu hộ, cứu nạn.

Các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, các phương tiện vận tải thủy điện nắm các thông tin xả lũ khẩn cấp hồ thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Bộ TN&MT tăng cường mật độ bản tin dự báo, tổ chức quan trắc hiện trường thông tin chính xác về dự báo mưa lũ.

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN tăng cường lực lượng thường trực, theo dõi chặt chẽ mưa lũ để đảm bảo an toàn công trình hồ, đập.

Nhiều địa phương ở Thanh Hóa phải khẩn cấp di dời dân đến nơi an toàn. Ảnh: KHÁNH TRÌNH

Bộ NN&PTNT phối hợp với cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, rà soát các trọng điểm xung yếu trên toàn hệ thống đê điều và hồ chứa, đặc biệt là tại các vị trí đã xảy ra sự cố đê điều do bão số 10, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn.

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…

Ban chỉ đạo cho biết hiện tại lũ trên hệ thống các sông: Đà, Thao, Hoàng Long, Mã có khả năng lên mức trên báo động 3. Vào sáng mai (12-10), trên sông Mã tại Giàng ở mức tương đương hai trận lũ lịch sử năm 1980 và 2007 gây ngập lụt nghiêm trọng tại Thanh Hóa.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Từ 19 giờ ngày 10-10 đến 13 giờ ngày 11-10, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 100-200 mm; một số trạm có lượng mưa lớn hơn. 

Trung tâm này dự báo nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp ven sông thuộc tỉnh Yên Bái, Phú Thọ (đặc biệt trên địa phận thành phố Yên Bái, huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ); nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2-3.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm