Sáng 28-3, UBND TP Đà Nẵng tổ chức khánh thành nhà trưng bày Hoàng Sa (tọa lạc ở đường Hoàng Sa, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Nhà trưng bày Hoàng Sa được chính thức ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế vào ngày 27-2-2015. Ảnh: LÊ PHI
Khởi công xây dựng từ năm 2015, nhà trưng bày sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị chứng minh lịch sử về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ khi manh nha đến khi tiến hành các thủ tục xây dựng nhà trưng bày, ông Đặng Công Ngữ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa) là người có đóng góp lớn. Ảnh: LÊ PHI
Ông Lê Tiến Công, Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa, cho biết công trình này được thiết kế, xây dựng theo chủ đề “con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam”, ý tưởng của nhóm tác giả Fuminori Minakami (Nhật Bản), Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang.
Đồ án được chọn để xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: LÊ PHI
Ông Công cho hay có khoảng trên 500 hiện vật, tư liệu, bản đồ sẽ được trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa trong thời gian tới. Những tư liệu, hiện vật này được trưng bày theo năm chủ đề gồm: Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam trước thời Nguyễn, Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam vào thời Nguyễn, Hoàng Sa trong thời Pháp thuộc, Hoàng Sa từ năm 1975 đến nay.
Ông Trương Quang Nghĩa (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) và ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cùng các đại biểu cắt băng khánh thành nhà trưng bày. Ảnh: T.AN
“Mỗi chủ đề có nhiều tiểu mục khác nhau. Tất cả đều là những bằng chứng thép để khẳng định với bạn bè quốc tế quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đập tan âm mưa độc chiếm biển Đông của Trung Quốc” - anh Công cho hay.
Nhà trưng bày Hoàng Sa chính thức mở cửa, đón tiếp người dân và du khách từ ngày 28-3. Ảnh: T.AN
Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng), cho biết công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa có thể còn lâu dài, nhiều khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, chủ quyền Tổ quốc luôn là vấn đề thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ là ngọn đuốc luôn thắp sáng ý chí đấu tranh bảo vệ chủ quyền của người dân TP nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.
Công trình này được thiết kế, xây dựng theo chủ đề “con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam”. Ảnh: T.AN
“Xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa là một quyết tâm lớn của lãnh đạo TP và Trung ương, của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước. Nó thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất trong mỗi người Việt. Dù có làm gì, ở đâu, cương vị nào cũng đều có trách nhiệm chung sức, chung lòng để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” - ông Đồng bày tỏ.
Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khẳng định Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ nhắc nhở mỗi người dân luôn nhớ Đà Nẵng vẫn còn nguyên một huyện bị ngoại bang chiếm đóng trái phép. Ảnh: T.AN
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) phấn khởi khi từ nay người Đà Nẵng và du khách thập phương đã có thể tận mắt chứng kiến những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của người Việt đối với quần đảo Hoàng Sa.
Và quan trọng hơn là nhắc mỗi người dân luôn nhớ rằng cho đến tận hôm nay, TP Đà Nẵng vẫn chưa được hoàn toàn giải phóng bởi vẫn còn nguyên một huyện bị ngoại bang chiếm đóng trái phép.
Sáng nay, có rất đông các em học sinh Trường THCS Hoàng Sa tới tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: T.AN
Các em đều tỏ ra thích thú khi được tận mắt xem lại những tư liệu, hiện vật quý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: T.AN
“Nhà trưng bày sẽ làm cho tâm thức ấy càng sâu sắc hơn, khắc khoải hơn, củng cố thêm niềm tin sẽ có ngày huyện đảo thân yêu của chúng ta thoát được sự chiếm đóng của ngoại bang để trở về đoàn tụ trên thực tế với các quận huyện của TP Đà Nẵng. Tôi nói là đoàn tụ trên thực tế bởi chúng ta vẫn chưa đòi lại được Hoàng Sa nhưng còn nhớ là chưa mất!” - ông Thơ xúc động.
Một vị khách lớn tuổi chăm chú đọc tư liệu về quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: T.AN
Ông Thơ đề nghị UBND huyện đảo Hoàng Sa, đội ngũ cán bộ viên chức công tác tại nhà trưng bày phải hết sức năng động, không ngừng đổi mới hình thức hoạt động theo hướng một bảo tàng hiện đại. Tiếp tục tìm kiếm tư liệu hiện vật để làm phong phú, đa dạng nội dung trưng bày, đồng thời nâng cao năng lực bảo quản tư liệu hiện vật, nghệ thuật thuyết minh hướng dẫn sao cho chạm tới trái tim người xem.
Các chiến sĩ hải quân chăm chú xem những tư liệu về quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: T.AN
Được biết, Nhà trưng bày Hoàng Sa chính thức mở cửa, đón tiếp người dân và du khách từ ngày 28-3. Giờ mở cửa buổi sáng từ 7 giờ 30-11 giờ 30, buổi chiều từ 13 giờ 30-17 giờ 30 từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần.
Một cựu hải quân trầm ngâm đứng nhìn bức ảnh và tư liệu về Hoàng Sa. Ảnh: T.AN
Ông Lê Đình Rê (nhân chứng Hoàng Sa) nhớ lại những ký ức về Hoàng Sa qua những tấm ảnh. Ảnh: T.AN
“Chúng tôi mãi tự hào vì đồng đội tôi!” – ông Trần Văn Sơn (nhân chứng Hoàng Sa) bày tỏ mỗi khi ai đó nhắc về những người đã ngã xuống trong trận hải chiến năm 1974. Ảnh: T.AN
Ngọn lửa Hoàng Sa, biểu tượng về lòng yêu nước của người Việt. Ảnh: T.AN
Thư tịch cổ của Việt Nam trước thời Nguyễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: T.AN
Ông Trần Thắng - một Việt Kiều Mỹ đóng góp nhiều tư liệu quý cho Nhà trưng bày Hoàng Sa không về được cũng gửi hoa mừng khánh thành. Ảnh: LÊ PHI