Ngay tại lễ phát động, UBND huyện Hoàng Sa đã bất ngờ nhận được những hiện vật, tư liệu quý đầu tư từ người dân đến đóng góp. Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung (Đài Phát thanh - truyền hình Đà Nẵng) cùng nhóm tác giả đã tặng phim tư liệu “Nhớ biển” với nội dung nói về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam đã đạt giải Huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 2005.
Ngoài ra, từ Mỹ trở về, ngay sau khi đáp xuống sân bay Đà Nẵng, TS Trần Đức Anh Sơn (Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng) đã đến thẳng Bảo tàng Đà Nẵng để trao tặng nhiều tư liệu quý cho UBND huyện Hoàng Sa. Đây là các tập bản đồ, tư liệu quý được TS Sơn phát hiện và sao chụp tại các thư viện của Mỹ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
TS Trần Đức Anh Sơn tặng bản đồ quý thể hiện chủ quyền của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam và khẳng định Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam. Ảnh: LÊ PHI
TS Sơn đã trao phụ bản bộ Atlas Von China (tập bản đồ Trung Quốc) do nhà xuất bản Verlag von Dietrich reimer xuất bản tại Berlin (Đức) năm 1885 hiện đang được lưu trữ tại kho sách hiếm của Thư viện Harvard-Yenching (ĐH Harvard) với nội dung thể hiện chủ quyền của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam, không hề có Hoàng Sa-Trường Sa.
TS Trần Đức Anh Sơn cho biết: “Các tư liệu quý này hoàn toàn bác bỏ các lập luận về đường tơ lụa trên biển hay đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc ở trên biển Đông. Các tư liệu, bản đồ do các nước phương Tây và của chính Trung Quốc mà chúng tôi phát hiện, tìm hiểu, sao chụp, nghiên cứu tại Mỹ đều thể hiện chủ quyền của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam và khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa là chủ quyền của Việt Nam”.
Dịp này đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cũng trao tặng UBND huyện Hoàng Sa một tấm bản đồ dưới thời VNCH vẽ xã Hòa Long thể hiện chủ quyền Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng trao tặng cho UBND huyện Hoàng Sa bản đồ của nhà nước VNCH thể hiện sự quản lý về mặt nhà nước, pháp lý của chính quyền VNCH đối với Hoàng Sa. Ảnh: LÊ PHI
Đặc biệt, tại lễ phát động này, vợ con của Trung sĩ trọng pháo Nguyễn Thành Trọng đã tử trận trên hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974 đã đến hiến tặng nhiều di vật, kỷ niệm, tư liệu gốc có giá trị lịch sử pháp lý liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam cho Nhà trưng bày Hoàng Sa.
Bà Nguyễn Thị Lựa (vợ Trung sĩ Trọng) cho biết: “Khi chồng mất trong trận hải chiến tôi đang mang thai được bảy tháng. Thương nhớ chồng nên sau khi con trai chào đời tôi đặt tên con mình là Nguyễn Hoàng Sa để con trai luôn luôn nhớ tới cha mình và hiểu về sự kiện bi hùng mà người cha đã tham gia để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”.
Tại lễ phát động, ông Đặng Việt Dũng (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cho hay, nhà trưng bày Hoàng Sa sắp được TP xây dựng xong vì vậy việc hiến tặng hiện vật của người dân cả nước để trưng bày phục vụ công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền là vô cùng quý báu. Ông Dũng cảm ơn những người dân đầu tiên đã hiến tặng hiện vật và kêu gọi người dân cả nước cùng chung tay đóng góp sức mình cùng UBND huyện đảo Hoàng Sa sưu tầm, lưu giữ những tư liệu quý để đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.