Ngày 5-6, Hội nghị cấp cao an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 15 tại Singapore đã bế mạc sau ba ngày làm việc. Trong ngày có hai phiên họp toàn thể thứ tư và thứ năm.
An ninh khu vực tiềm ẩn nhiều phức tạp
Tại phiên họp toàn thể thứ tư với chủ đề “Những thách thức trong giải quyết xung đột” có ba bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh và Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc.
Phiên họp toàn thể thứ năm với chủ đề “Theo đuổi các mục tiêu an ninh chung” gồm ba phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sajjan, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen.
Theo Đài Tiếng nói Việt Nam, trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể sáng 5-6, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã nêu bật vai trò quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Cộng đồng ASEAN đã trở thành một nhân tố tích cực.
Việc hình thành Cộng đồng ASEAN đã mở rộng hội nhập, gia tăng liên kết, ràng buộc lợi ích và là trung tâm của các cấu trúc an ninh khu vực đã và đang định hình, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Tuy nhiên, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng tình hình an ninh khu vực vẫn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, không thể xem thường như khủng bố, nguy cơ hạt nhân, tranh chấp biên giới, lãnh thổ, an ninh biển.
Trong bối cảnh như vậy, các nước cần hợp tác và đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định Việt Nam chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải, hàng không bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và thực tâm bàn bạc, sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông.
Trước đó, chiều 4-6, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã gặp gỡ và trả lời phỏng vấn của nhiều báo quốc tế như BBC (Anh), NHK (Nhật), Ashahi Shimbun và Yomiuri Shimbun (Nhật), The Straits Times (Singapore).
Trong sáu phiên thảo luận vào chiều 4-6, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, đã phát biểu tại phiên thảo luận có chủ đề “Kiểm soát căng thẳng trên biển Đông”.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại phiên họp toàn thể sáng 5-6 tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Ảnh: TTXVN
Trung Quốc ngầm chỉ trích Mỹ
Liên quan đến phát biểu của Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tại phiên toàn thể sáng 5-6, hãng tin Bloomberg ghi nhận phát biểu có vẻ hòa giải hơn so với Đối thoại Shangri-La năm ngoái.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc nêu lên vai trò tương tác giữa quân đội Trung Quốc với quân đội các nước Đông Nam Á, Ấn Độ và Nhật. Ông nói Trung Quốc cổ động một viễn cảnh an ninh mới và hợp tác an ninh chung các bên cùng có lợi.
Ông tuyên bố Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye. Ông phủ dụ Trung Quốc sẵn sàng mở cửa chào đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte để nối lại đàm phán song phương về vấn đề tranh chấp ở biển Đông.
Ông nêu ý kiến: “nếu tự do đi lại trên biển Đông bị tổn hại thì chính Trung Quốc là nạn nhân lớn nhất”. Theo ông, tự do đi lại có bị tổn hại thì không thể đổ trách nhiệm cho Trung Quốc.
Đối với Mỹ, ông cho rằng quân đội Trung Quốc đã hợp tác tốt với nhiều lực lượng của Mỹ, ví dụ như hai bên đã đạt được thỏa thuận Mỹ-Trung nhằm kiểm soát đối đầu ngoài ý muốn trên biển.
Cùng lúc ông ngầm chỉ trích Mỹ tiến hành tuần tra thực hiện tự do hàng hải ở biển Đông và đưa tàu chiến, máy bay đến gần các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp xây trái phép trên biển Đông.
Ông Quốc nói: “Có một quốc gia chọn một thái độ riêng, tuân thủ các nguyên tắc phù hợp quyền lợi của nước mình và bỏ qua các nguyên tắc không phù hợp với quyền lợi của họ. Nước này đi đầu trong việc quảng bá cái gọi là quyền tự do hàng hải, công khai phô trương sức mạnh quân sự của họ”.
Ông cũng phản ứng trước phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 4-6 rằng Trung Quốc đang xây “vạn lý trường thành tự cô lập” trên biển Đông nếu cứ tiếp tục bành trướng trên biển Đông.
Ông cho rằng Trung Quốc là quốc gia có trách nhiệm, Trung Quốc không tự cô lập và trong tương lai cũng sẽ không tự cô lập.
Ngoại trưởng Mỹ bác bỏ vùng nhận dạng phòng không Tại cuộc họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Mông Cổ Lundeg Purevsuren tại Ulaanbaatar ngày 5-6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố: “Chúng tôi đánh giá một vùng nhận dạng phòng không… trên biển Đông là hành động khiêu khích và gây bất ổn, (hành động này) đương nhiên làm gia tăng căng thẳng và đặt câu hỏi nghiêm túc về việc Trung Quốc cam kết xử lý tranh chấp ở biển Đông bằng ngoại giao”. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi yêu cầu họ chớ hành động đơn phương theo hướng khiêu khích”. Hãng tin Reuters ghi nhận Trung Quốc chưa xác nhận hay phủ nhận kế hoạch thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông mà Trung Quốc chỉ nói họ có quyền thiết lập vùng nhận dạng phòng không và quyết định này sẽ phụ thuộc vào mức độ Trung Quốc bị đe dọa. Sau Mông Cổ, Ngoại trưởng John Kerry sẽ đến Bắc Kinh tham dự Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ tám. Chủ đề tranh chấp ở biển Đông sẽ lại được nêu ra trong cuộc đối thoại này. Mỹ và nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang trao đổi với nhau để xây dựng một mạng lưới an ninh dựa theo nguyên tắc nhằm bảo đảm mọi người và mỗi quốc gia đều tiếp tục phát triển và thịnh vượng… Mạng lưới này sẽ thúc đẩy làn sóng an ninh sắp tới ở châu Á-Thái Bình Dương, sẽ mở cửa chào đón các nước cùng chia sẻ trách nhiệm về an ninh… Chính sách tái cân bằng của chúng tôi bảo đảm Mỹ sẽ là nhà cung cấp an ninh chủ yếu trong khu vực… Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ASHTON CARTER |