Ngày 4-6, hội nghị cấp cao an ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 15 tại Singapore đã bước vào ngày làm việc đầu tiên.
Chương trình gồm ba phiên họp toàn thể. Tại phiên họp toàn thể thứ nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trình bày chủ đề “Các thách thức về an ninh phức tạp tại châu Á”.
Phiên họp toàn thể thứ hai có chủ đề “Quản lý cạnh tranh quân sự ở châu Á” với các bài tham luận của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Dato’ Seri Hishammuddin Tun Hussein.
Tại phiên họp toàn thể thứ ba với chủ đề “Thực hiện chính sách quốc phòng trong giai đoạn bất an”, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Minkoo và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon phát biểu. Sau đó là các phiên họp riêng theo chủ đề.
Nhật muốn giúp Đông Nam Á
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani thông báo Nhật sẽ giúp các nước Đông Nam Á xây dựng năng lực an ninh để đối phó với các hành động đơn phương, nguy hiểm và cưỡng bức ở biển Đông. Reuters ghi nhận phát biểu này muốn ám chỉ đến Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani phát biểu tại Đối thoại Shangri-La sáng 4-6. Ảnh: REUTERS
Ông nêu rõ: “Ở biển Đông, chúng ta đã chứng kiến việc bồi đắp tôn tạo nhanh chóng trên quy mô lớn, xây dựng tiền đồn và sử dụng chúng vào mục tiêu quân sự”.
Để hỗ trợ Philippines và các nước Đông Nam Á khác, ông Gen Nakatani cho biết Nhật sẽ tham gia cải thiện năng lực giám sát, huấn luyện diễn tập chung và hợp tác phát triển các thiết bị quốc phòng và công nghệ mới.
Liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực La Haye (Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc), ông nhấn mạnh: “Mọi phán quyết hay quyết định do tòa án có liên quan tuyên bố phải được các nước tranh chấp tôn trọng đầy đủ phù hợp với luật pháp quốc tế có hiệu lực”.
Trung Quốc gây lo ngại
Báo The Straits Times đưa tin phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter không thẳng thừng buộc tội Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo. Tuy nhiên, ông liên tục nhắc đến thái độ phàn nàn của Mỹ về việc Trung Quốc gây lo ngại cho các nước láng giềng với hoạt động bành trướng bồi đắp xây đảo nhân tạo ở biển Đông.
Đề cập nguy cơ xung đột ở biển Đông, ông nói Trung Quốc đang tự cô lập với hành động xây đảo nhân tạo, trong đó có xây dựng sân bay để mở rộng tầm hoạt động quân sự. Như vậy trong vòng một tuần qua, ông đã hai lần nhận xét hành động bành trướng ở biển Đông của Trung Quốc có thể tạo ra “bức tường lớn tự cô lập”.
Bộ trưởng Ashton Carter nhận xét: “Trong khu vực và trong hội trường này, ngày càng có nhiều lo ngại về hoạt động của Trung Quốc trên biển, không gian mạng và vùng trời của khu vực… Quả thật tại biển Đông, Trung Quốc đã thực hiện hành động mở rộng chưa từng có, tạo nên lo ngại về ý đồ chiến lược của Trung Quốc”.
Ông đã đề cập đến phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài thường trực và nói phán quyết là “một cơ hội cho Trung Quốc và phần còn lại trong khu vực tái cam kết về một tương lai dựa theo nguyên tắc, cải thiện ngoại giao và kéo giảm căng thẳng thay vì leo thang căng thẳng”.
Mỹ-Trung cùng hợp tác
Bộ trưởng Ashton Carter nói: “Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc hòa bình, ổn định và thịnh vượng vốn giữ vai trò đầy trách nhiệm trong mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc của khu vực”.
Tuy nhiên, ông khẳng định Mỹ tiếp tục và thậm chí mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương: “Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn duy trì khả năng hàng đầu thế giới vì Mỹ đã đầu tư không gì có thể so sánh được trong nhiều thập niên. Kết quả là sẽ mất nhiều thập niên hoặc hơn nữa cho bất kỳ ai muốn xây dựng khả năng quân sự như Mỹ”.
Cho dù bất đồng về vấn đề biển Đông, ông cũng bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ với Trung Quốc để hình thành một mạng lưới an ninh sâu rộng hơn cho châu Á.
Ông nói: “Mỹ muốn mở rộng các thỏa thuận quân sự với Trung Quốc để tập trung không chỉ giảm thiểu rủi ro mà còn hợp tác thực tế. Quân đội hai nước có thể làm việc cùng nhau theo hướng song phương hoặc một phần trong mạng lưới an ninh rộng lớn hơn”.
Ông kêu gọi thành lập một “mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc” ở khắp châu Á mà ông định nghĩa là “các nước xây dựng các mối quan hệ vì quyền lợi chung, cùng nhau lập kế hoạch, tập luyện và cuối cùng là hoạt động theo hướng điều phối với nhau”.
Ông nói vào tháng 9 tới, ông sẽ cùng người đồng cấp của Lào đồng chủ trì một cuộc họp cấp bộ trưởng Quốc phòng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tìm cách thức mới nhằm mở rộng và đào sâu một mạng lưới an ninh khu vực.
Ông thông báo ông dự định đến Bắc Kinh trong năm nay.
Trước đó, ngày 3-6, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã hội đàm với người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen. Tại cuộc họp báo chung sau đó, ông tuyên bố Mỹ không có người bạn nào trong khu vực tốt hơn Singapore và có một đối tác về an ninh đủ năng lực như Singapore.
Ông đã yết kiến Thủ tướng Lý Hiển Long và cảm ơn Singapore về quan hệ đối tác chặt chẽ giữa hai nước và việc Singapore hỗ trợ cho Mỹ hiện diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
New Zealand: Trung Quốc nói khác, làm khác Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị vào tối 3-6, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha kêu gọi Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông hãy nhìn rộng ra ngoài các tranh chấp và tìm cách hợp tác để giảm căng thẳng trong khu vực. AFP đưa tin thủ tướng Thái Lan đã kêu gọi các nước ASEAN cần đoàn kết để giải quyết vấn đề tranh chấp ở biển Đông vì điều đó có lợi cho các bên. Ông nhắc tới tầm quan trọng của việc tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông. Cùng ngày, báo The Straits Times đưa tin phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee nói Trung Quốc phải giải thích kế hoạch xây đảo nhân tạo ở biển Đông, nếu không sẽ tiếp tục gây bất an cho các nước có nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại tự do, trong đó có các nước nhỏ hơn không gần biển Đông. Ông khẳng định: “Điều cực kỳ quan trọng cho mọi nền kinh tế trên thế giới là nơi ấy phải là khu vực hòa bình, là vùng không phận-hải phận mở”. Ông ghi nhận hành động của Trung Quốc mâu thuẫn với tuyên bố của họ rằng mục đích chính của kế hoạch xây đảo nhân tạo nhằm phục vụ hòa bình. Ông lưu ý có các mối lo ngại Trung Quốc có thể chuyển các bãi ngầm thành đảo nhân tạo có khả năng tiếp nhận người ở để từ đó tuyên bố chủ quyền hoặc thậm chí tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế quanh các đảo nhân tạo này. Bộ trưởng Gerry Brownlee kể tại Đối thoại Shangri-La năm ngoái, một tướng Trung Quốc nói với ông rằng New Zealand không liên quan đến tranh chấp ở biển Đông. Lúc đó ông đã đáp lại: “Vậy thì từ quan điểm của một quốc gia thương mại nhỏ, chúng tôi có quan ngại và đã nêu lên quan ngại đó”. Ông cho biết New Zealand thường xuyên đưa máy bay giám sát biển Đông và chưa bao giờ các chuyến bay này được Trung Quốc trực tiếp chào đón hoặc xua đuổi. Trong khi đó, tàu chiến và máy bay tuần tra của Mỹ thường bị Trung Quốc yêu cầu rời đi. Ông nhận định Mỹ cần phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vì đây là điều cần thiết để duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á. Cũng trong ngày 3-6, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen. Ông cũng đã hội đàm với tư lệnh Quốc phòng Úc Marshal Mark Binskin. Ông Tôn Kiến Quốc đã đề nghị Úc nên giữ quan điểm công bằng và khách quan về vấn đề biển Đông. |