NATO có thể giúp ASEAN về quốc phòng

Hội nghị cấp cao an ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 15 đã chính thức khai mạc tối 3-6 tại Singapore.

Viện quốc tế nghiên cứu chiến lược của Anh (IISS), đơn vị tổ chức hội nghị, thông báo có 600 đại biểu tham dự, trong đó có 21 bộ trưởng và thứ trưởng Quốc phòng, đại biểu của hơn 30 nước và hơn 40 chuyên gia tên tuổi.

TS John Chipman, Tổng Giám đốc IISS và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu khai mạc.

Báo The Straits Times (Singapore) đưa tin trong bài phát biểu dài 30 phút, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh vai trò của quân đội và công tác phát triển quân đội là các yếu tố chủ yếu để thúc đẩy an ninh.

Bài phát biểu nêu lên các vấn đề an ninh, tác động của các vấn đề này trong khu vực, bao gồm các mối đe dọa đối với ASEAN như chủ nghĩa cực đoan, đánh cá trái phép và di dân bất thường.

Bộ trưởng Ashton Carter cùng người đồng cấp Ng Eng Hen trên máy bay trinh sát P8. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Bài phát biểu cũng nêu lên vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng và buôn người đồng thời kêu gọi ASEAN hợp tác giải quyết các vấn đề này thông qua các cơ chế khu vực hiện hữu.

Phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, cho biết ông lo ngại hậu quả xấu sẽ xảy ra khi Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye.

Ông kêu gọi các nước Đông Nam Á ủng hộ tuyên bố của Mỹ rằng phán quyết trọng tài phải mang tính chất ràng buộc. Ông khuyến khích Trung Quốc từ bỏ thái độ dọa nạt hay hăm dọa các nước láng giềng hợp tác.

Reuters ghi nhận để chứng tỏ mối quan tâm của Mỹ đến an ninh hàng hải, ngày 3-6 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen cùng đi trên máy bay trinh sát P8 của Mỹ bay trên eo biển Singapore.

Trang web Breaking Defense đưa tin trong bài phát biểu tại hội nghị hôm 4-6, Bộ trưởng Ashton Carter sẽ lưu ý hai vấn đề:

Trong tháng này, Hàn Quốc và Mỹ có thể sẽ thông báo triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Mỹ giải thích đây là quyết định Mỹ-Hàn về phòng thủ với Triều Tiên nhưng Bắc Kinh quyết liệt phản đối với lý do THAAD có thể bắn hạ máy bay ở Trung Quốc.

Trung Quốc đã tuyên bố không tôn trọng phán quyết trọng tài và sẽ lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông. Mỹ đánh giá đây là quyết định khiêu khích và Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động quân sự như sau khi Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông năm 2014.

Trên đường đến Singapore tham dự hội nghị, ông Ashton Carter khẳng định với các nhà báo: “Kế hoạch thực hiện Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng (với Philippines) đang diễn tiến tốt đẹp”.

Dự kiến ông Ashton Carter sẽ không gặp Philippines hay Trung Quốc bên lề Đối thoại Shangri-La vì bộ trưởng Quốc phòng mới của Philippines chưa được bổ nhiệm còn Trung Quốc không cử bộ trưởng Quốc phòng dự hội nghị.

Ngày 3-6, phát biểu tại bàn tròn báo chí ở Singapore gồm báo The Straits Times (Singapore) và các báo đến từ Nhật và Việt Nam, tướng Petr Pavel chỉ huy Ủy ban Quân sự NATO khẳng định NATO sẽ không can thiệp quân sự vào tranh chấp ở biển Đông vì không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ tìm kiếm khả năng giữa NATO và ASEAN để giúp phát triển năng lực quốc phòng, chia sẻ tin tình báo và hoạt động thực tiễn về an ninh hàng hải. Ông nói NATO thận trọng với yêu sách của Trung Quốc vì chưa rõ ý đồ của Trung Quốc, tuy nhiên NATO ủng hộ giải quyết tranh chấp ở biển Đông thông qua đàm phán chính trị và ngoại giao phù hợp các nguyên tắc và luật pháp quốc tế.

_____________________________________

Quốc hội phải phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp biển… Tàu hải quân Mỹ phải tiếp tục tuần tra trong khu vực để khẳng định quyền tự do hàng hải.

(Tổng thống OBAMA phát biểu tại Học viện Không quân
ở Colorado ngày 2-6)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm