Trước thềm Đối thoại Shangri-La 2016, phía Trung Quốc đã bất ngờ lớn tiếng chỉ trích Philippines đang tìm cách phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Chỉ trích của phía Trung Quốc nhắm đến lập luận từ Philippines trong vụ kiện đệ trình lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), theo đó mô tả đảo Ba Bình chỉ là bãi đá chứ không phải là một hòn đảo.
Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ trích: “Việc Philippines cố tình định nghĩa đảo Ba Bình là một bãi đá đã cho thấy mục tiêu thật sự của phiên tòa nhằm phủ nhận chủ quyền và các quyền liên quan của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa”.
Tuyên bố được đăng tải trên trang mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc: “Điều này vi phạm luật pháp quốc tế và hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Bà Hoa Xuân Oánh còn ngang ngược khẳng định ngư dân Trung Hoa “được ghi trong sử sách” đã sinh sống, đánh bắt cá, đào giếng, trồng trọt và xây nhà trên đảo Ba Bình.
Bắc Kinh lớn tiếng chỉ trích Philippines về vấn đề đảo Ba Bình trong vụ kiện biển Đông, ngay trước thềm Hội nghị Shangri-La 2016 (Ảnh minh họa)
Mặc dù chính quyền Bắc Kinh lớn tiếng chỉ trích Philippines về vấn đề đảo Ba Bình, hòn đảo hiện lại đang nằm trong sự kiểm soát của chính quyền Đài Bắc -Trung Hoa. Theo hãng tin Reuters, chính quyền Đài Bắc trong năm 2015 đã chi gần 100 triệu USD để nâng cấp cảng, cơ sở hạ tầng và xây dựng đường băng tên đảo Ba Bình.
Các bình luận quốc tế đều cho rằng những căng thẳng xoay quanh vấn đề biển Đông sẽ bao phủ Đối thoại Shangri-La năm nay. Trước đó, Bắc Kinh đã từ chối công nhận vụ kiện đệ trình bởi Philippies lên PCA về các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Phía Bắc Kinh luôn khẳng định các tranh chấp cần được giải quyết qua đối thoại song phương.
Trong vụ kiện của mình, Manila muốn tòa làm rõ về tính hợp pháp của các tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra trên biển Đông. Manila cũng lập luận rằng không có thực thể nào trong quần đảo Trường Sa, kể cả đảo Ba Bình, có thể được công nhận hợp pháp là một hòn đảo đủ khả năng duy trì sự sống. Theo đó, đảo Ba Bình cũng không có quyền áp đặt vùng 200 hải lý đặc quyền kinh tế (tương đương 370 km biển) xung quanh đảo.
Tháng 5-2016, có thông tin một nhóm chuyên gia Đài Loan đã bất ngờ đưa thêm lập luận can thiệp vào vụ kiện của Philippines. Phía chính quyền Đài Bắc - Trung Hoa gần đây cũng có những động thái mạnh mẽ trong vấn đề biển Đông, trong đó có việc ngang nhiên mời Philippines và trọng tài quốc tế đến đảo Ba Bình, hay có mong muốn triển khai thêm vũ khí ra hòn đảo.