TỪ PHÁN QUYẾT CỦA TÒA TRỌNG TÀI - BÀI 1

Mặt trận pháp lý: Trung Quốc ‘trắng tay’!

Phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là một đòn tấn công mạnh mẽ vào yêu sách “đường chín đoạn” và “quyền lịch sử” của Trung Quốc (TQ) ở biển Đông. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ nhận định việc Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài đến đâu vẫn còn là một dấu hỏi. Dù vậy, trao đổi với Pháp Luật TP.HCMngay sau phán quyết 12-7, GS-TS James Kraska (Trung tâm Nghiên cứu luật quốc tế Stockton - ĐH Hải chiến Mỹ) nhận định giá trị phán quyết là điều mà TQ có muốn chối bỏ cũng không thể được. Nếu không thừa nhận phán quyết, TQ sẽ càng bị cô lập.

Yêu sách của TQ bị đổ vỡ ra sao?

Với phán quyết tất cả thực thể ở quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc bác bỏ quan điểm “tòa không có thẩm quyền với vụ kiện vì bảo lưu 2006 của TQ”. Các khái niệm liên quan đến việc xác định đảo như “sự sống của con người”, “đời sống kinh tế”,... lần đầu tiên được Tòa Trọng tài giải thích một cách rõ ràng. Như vậy dù TQ đã, đang và nếu tiếp tục chiếm giữ trái phép các thực thể, đồng thời nỗ lực bồi lấp, xây dựng hạ tầng lưỡng dụng (dân sự và quân sự)… thì ý đồ tạo vùng EEZ cũng phá sản.

Trước khi có phán quyết, dự báo việc xác định tính pháp lý của đường lưỡi bò sẽ rất khó khăn bởi không dễ dàng làm rõ ràng khái niệm mập mờ này của TQ. Việc TQ vắng mặt tại tòa càng khiến quá trình tranh tụng gặp những thách thức nhất định. Nhưng cuối cùng, qua quá trình tranh tụng, yêu sách đường lưỡi bò bị phủ nhận tuyệt đối.

Theo GS-TS James Kraska, các yêu sách của TQ đòi chủ quyền hơn 90% biển Đông dựa trên “quyền lịch sử” không hợp pháp. Tòa Trọng tài bác bỏ luận điểm “hoạt động đánh cá tại biển Đông của tàu thuyền TQ trong lịch sử”, cho rằng đó đơn thuần là tự do hoạt động trên biển cả chứ TQ chưa bao giờ kiểm soát độc lập và hợp pháp các vùng biển.

Tòa Trọng tài còn cáo buộc TQ cố ý ngụy tạo các chứng cứ thực địa bằng cách phá hủy vĩnh viễn hiện trạng tự nhiên của các thực thể. Hành động này vừa vi phạm nghĩa vụ môi trường, vừa khiến khả năng giải quyết tranh chấp càng trở nên khó khăn. Việc TQ ngăn cản Philippines tiến hành các hoạt động đánh bắt cá và khai thác tài nguyên hợp pháp cũng bị Tòa Trọng tài cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế. Phán quyết này mở đường cho các nước liên quan lên án những hành động ức hiếp tương tự từ phía Bắc Kinh trong tương lai.

Nhận định chung về hậu quả TQ phải gánh chịu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hòa bình và xung đột ĐH Seton Hall (Mỹ) Zheng Wang cho rằng không chỉ hình ảnh và quyền lực mềm của TQ bị phá hủy, mà các yêu sách chủ quyền do TQ tuyên bố ở biển Đông cũng bị tổn hại.

Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ hàng loạt yêu sách của TQ ở biển Đông, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (ảnh trên) vẫn khăng khăng phủ nhận giá trị của phán quyết này. Còn cựu Ủy viên Quốc vụ viện TQ Đới Bỉnh Quốc (ảnh dưới) ngang ngược nói: “Phán quyết không có giá trị hơn một tờ giấy”. Ảnh: AFP - GETTY IMAGES

TQ có hiện diện ở tòa cũng thất bại

Nhà nghiên cứu Zheng Wang viết trên Diplomat rằng giá như TQ tham gia vào vụ kiện thì có thể TQ không phải “tay trắng” vì TQ sẽ được quyền chọn lựa một (trong tổng số năm) trọng tài viên vào hội đồng trọng tài, tạo ra khả năng tác động lên phán quyết. Tham gia vụ kiện còn giúp TQ trực tiếp tranh luận trong quá trình tranh tụng để có thể mang về kết quả lạc quan nhất, thậm chí có thể thay đổi kết quả so với phán quyết hiện nay. Thực tế trước phán quyết 12-7, TQ đã âm thầm tập hợp một cuộc gặp các chuyên gia và tuyên bố “lắng nghe tất cả ý kiến” dẫu có trái chiều quan điểm chính phủ. Nhiều học giả TQ cũng có quan điểm tương tự như Zheng Wang. Nhưng giả thuyết này của Zheng Wang và đồng nghiệp chỉ đúng một vế.

Đúng là TQ từ chối tham gia vụ kiện đồng nghĩa nước này đã tự tước đi quyền tranh luận trực tiếp tại Tòa Trọng tài. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình vụ kiện sẽ thấy dù vắng mặt nhưng TQ vẫn luôn nêu lập trường của nước này. Tòa Trọng tài đã rất thận trọng khi không bỏ qua bất kỳ lập trường nào của TQ và đã giải quyết từng nội dung một dựa trên các phân tích UNCLOS chi tiết, công bố minh bạch, thuyết phục cộng đồng quốc tế.

Số lượng một trên tổng năm trọng tài viên dường như không có khả năng tạo áp lực thay đổi phán quyết. Mấu chốt ở chỗ các chứng cứ, lập trường, cơ sở pháp lý của TQ là quá yếu như Tòa Trọng tài đã phân tích trong phán quyết. Một trọng tài viên không thể “biến hóa” các lập trường của TQ từ vô lý trở thành có lý. Trái lại, khi đã tham gia vụ kiện, TQ có nghĩa vụ phải làm rõ các khái niệm mà hội đồng trọng tài yêu cầu, điển hình là yêu sách đường lưỡi bò, vốn bị TQ (vô tình hay hữu ý) không làm rõ nhằm cản trở quá trình tranh tụng. Hệ quả là Tòa Trọng tài càng dễ dàng có đủ cơ sở để phủ quyết giá trị pháp lý các yêu sách của TQ ở biển Đông.

TQ mất gì nếu bác bỏ phán quyết

GS Jerome A. Cohen (ĐH Luật New York, Mỹ) khẳng định dù muốn hay không thì phán quyết dựa trên UNCLOS có hiệu lực bắt buộc đối với TQ, dù nước này vừa vắng mặt tại tòa, vừa phủ nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài cũng như bác bỏ tính hợp pháp của vụ kiện từ khi Philippines đưa ra đệ trình từ năm 2013.

Là một thành viên UNCLOS, TQ được hưởng lợi rất nhiều từ các quy định của công ước này trong việc khai thác tài nguyên biển Đông hiện tại và tương lai. Nhưng UNCLOS không chấp nhận việc TQ xem việc áp dụng luật quốc tế như một công cụ để trục lợi khi cần. Nói như GS-TS James Kraska, luật quốc tế không phải một phương tiện chính trị, mà mục tiêu là “thượng tôn pháp luật” - dựa trên một hệ thống phán quyết độc lập, minh bạch, công bằng, được các nước công nhận và có hiệu lực pháp lý bình đẳng với tất cả các bên.

Điều này khác với ý đồ của TQ, khi lợi dụng sức mạnh quốc gia (là cường quốc) để áp đặt luật pháp của mình hoặc diễn giải luật quốc tế theo cách hiểu chỉ có lợi cho mình đối với các quốc gia khác. Ngay cả hiện nay, nếu TQ tuyên bố rút khỏi UNCLOS thì nghĩa vụ pháp lý cũng không vì thế mà mất đi. Trái lại, càng kích thích các nước khẩn trương kiện TQ khi quyết định rút khỏi công ước chưa có hiệu lực, đồng thời làm tổn hại đến lợi ích kinh tế TQ khi nước này mất nhiều quyền khai thác kinh tế biển Đông.

Rõ ràng biển Đông đóng vai trò then chốt, bởi đây là một trong những tuyến đường hàng hải có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Vì vậy việc phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ gián tiếp hủy hoại “trỗi dậy hòa bình”, đẩy mọi nghi ngờ về các sáng kiến, hiệp định thương mại nói riêng và điều ước quốc tế nói chung do TQ khởi xướng thực hiện trong thời gian gần đây…

Phán quyết của Tòa Trọng tài thách thức Trung Quốc dài hạn

Bất chấp việc quan chức TQ chế nhạo phán quyết “không có giá trị gì hơn một mẩu giấy”, hậu quả từ phán quyết của Tòa Trọng tài thực tế sẽ còn là nỗi ám ảnh kéo dài với TQ. Bởi lẽ sau khi Tòa Trọng tài phán quyết, các nội dung tranh chấp biển Đông đã được thu hẹp phạm vi cũng như mức độ phức tạp. Điều này đồng nghĩa sẽ có nhiều không gian hơn cho sự phát triển của xu thế tận dụng UNCLOS nhằm chống lại sự bành trướng của TQ trong tương lai. Nếu vẫn một mực bảo vệ yêu sách đường lưỡi bò bằng “cơ bắp”, TQ sẽ còn tiếp tục đánh mất nhiều hơn một yêu sách “đường chín đoạn” hay quyền lịch sử ở biển Đông.

________________

Bài 2: Cục diện mới ở biển Đông

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm