Indonesia tới đây sẽ tập trung tăng sức mạnh quân sự quanh quần đảo Natuna sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) xử Trung Quốc thua trong vụ kiện của Philippines đối với tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò của Trung Quốc ở biển Đông.
Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu với hãng tin AFP (Pháp) ngày 13-7, một ngày sau khi PCA ra phán quyết.
Vùng biển quanh quần đảo Natuna là nơi thời gian gần đây thường xuyên xảy ra va chạm giữa hải quân Indonesia và tàu cá Trung Quốc xâm nhập đánh bắt trái phép. Trung Quốc không tranh chấp quần đảo Natuna nhưng đường lưỡi bò của Trung Quốc lại chồng lấn lên vùng biển quanh quần đảo này mà Indonesia xem đó là vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Theo đó, Indonesia sẽ triển khai một số tàu chiến, một máy bay chiến đấu F-16, nhiều tên lửa đất đối không, một số máy bay không người lái, một hệ thống radar, cũng như xây dựng một số cảnh biển và nâng cấp đường băng ở quần đảo Natuna.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và thành viên nội các thăm quần đảo Natuna cuối tháng 6-2016. Ảnh: BBC
Ngoài ra, Indonesia sẽ gửi lực lượng không quân đặc biệt, một số biệt đội hải quân cùng một tiểu đoàn bộ binh đến quần đảo Natuna. Hiện Indonesia đã hoàn thành xây dựng các doanh trại trên quần đảo Natuna cho các đơn vị này, Bộ trưởng Ryamizard Ryacudu cho biết.
“Đây sẽ là tai mắt của chúng tôi. Nhờ đó chúng tôi sẽ giám sát được điều gì xảy ra ở quần đảo Natuna cũng như vùng biển quanh quần đảo Natuna ở biển Đông" - AFP dẫn lời Bộ trưởng Ryamizard Ryacudu.
Thực ra Indonesia đã từng bước tăng cường sức mạnh an ninh ở quần đảo Natuna từ vài tháng nay và sẽ hoàn thành trong khoảng một năm, Bộ trưởng Ryamizard Ryacudu cho biết.
Indonesia ngày càng bất an và mất bình tĩnh vì việc xâm nhập của tàu cá Trung Quốc. Trong chuyến thăm quần đảo Natuna tháng trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã cho họp nội các trên một tàu chiến, gián tiếp gửi thông điệp đến Trung Quốc là Indonesia quyết bảo vệ vùng biển quanh quần đảo Natuna.
Bộ trưởng Ryamizard Ryacudu minh định Indonesia chỉ thực hiện quyền bảo vệ lãnh hải của mình chứ không kích thích quân sự hóa biển Đông.