Ngày 12-7, Tòa trọng tài tại Hague (Hà Lan) đã khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để tuyên bố "quyền lịch sử" trong vùng biển mà Bắc Kinh áp đặt "đường chín đoạn".
Nguồn tin giấu tên của hãng Reuters cho biết Mỹ đang muốn sử dụng biện pháp "ngoại giao im lặng" để thuyết phục Philippines, Indonesia và các nước châu Á khắc không có các động thái quá quyết liệt tận dụng phán quyết của tòa trọng tài.
Vị quan chức này cho biết: "Chúng tôi muốn mọi chuyện lắng xuống một chút để các vấn đề có thể được giải quyết một cách có lý trí, chứ không phải bằng cảm tính". Ông cho biết một số thông điệp đã được gửi qua các đại sứ quán Mỹ và các phái đoàn ở Washington.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, Ngoại trưởng John Kerry cũng trao đổi các thông điệp này với đối tác trong những chuyến công du. "Đây là cách thức bí mật kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh. Không phải là một nỗ lực lôi kéo chống lại Trung Quốc" - vị quan chức này cho biết.
Đội tàu sân bay tấn công USS John C. Stennis của Mỹ được triển khai tuần tra trên biển Đông tháng 5-2016. Ảnh: Hải quân Mỹ
Nhiều chuyên gia lo sợ tình hình an ninh biển Đông có thể leo thang căng thẳng sau phán quyết của tòa trọng tài. Ngày 13-7, Đài Loan đã triển khai một tàu chiến lớp La Fayyet tuần tra biển Đông, hướng đến đảo Ba Bình. Đây là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Đài Loan chiếm đóng. Lãnh đạo Đài Loan bà Thái Anh Văn khẳng định sứ mệnh của chuyến hải trình này là "bảo vệ lãnh hải của Đài Loan".
Vị quan chức giấu tên cho biết các quan chức đối ngoại Mỹ hy vọng chính sách "ngoại giao thầm lặng" có thể thành công với Indonesia. Hiện chính quyền Jakarta đang có kế hoạch đưa hàng trăm ngư dân ra quần đảo Natuna để khẳng định chủ quyền vùng biển mà Trung Quốc áp đặt "đường chín đoạn". Trong thời gian qua, tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc thường có các vụ quấy rối tàu Indonesia trong khu vực này.