Ngày 13-7, chỉ một ngày sau khi Tòa Trọng tài quốc tế công bố phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý về "quyền lịch sử" đối với vùng biển mà Bắc Kinh áp đặt cái gọi là "đường chín đoạn" trên biển Đông, Trung Quốc đã công bố một sách trắng đối với phán quyết của tòa trọng tài.
Sách trắng được công bố bởi Văn phòng Hội đồng Thông tin nhà nước Trung Quốc. Sách trắng này có tựa “Trung Quốc trung thành với quan điểm giải quyết các tranh chấp liên quan Philippines ở biển Đông thông qua thương lượng”, dài 20.000 chữ.
Trong sách trắng này, chính phủ Trung Quốc tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế, tái khẳng định chủ quyền phi lý của nước này lên các thực thể và vùng biển tại biển Đông. Trung Quốc còn trắng trợn khẳng định rằng các nước còn lại trong khu vực đã "tuyên bố chủ quyền và chiếm đóng bất hợp pháp" trên biển Đông.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc - ông Lưu Chấn Dân tại buổi họp báo công bố sách trắng. Ảnh: CCTV
Cùng ngày, tại buổi họp báo công bố sách trắng này ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc - ông Lưu Chấn Dân tố ngược lại phía Philippines: "Chính phía Philippines đã gây ra và thúc đẩy tình hình rắc rối này" - tờ The Washington Post dẫn lại từ buổi họp báo. Ông Lưu khẳng định phán quyết không đáng tin cậy và sẽ không chấp hành phán quyết.
Sách trắng này cũng đổ lỗi Philippines đã vi phạm Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Bắc Kinh diễn giải rằng DOC đòi hỏi giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại song phương...
Trung Quốc khẳng định phán quyết PCA không ảnh hưởng đến chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, đồng thời lớn tiếng cảnh cáo sẽ không chấp nhận bất kỳ tuyên bố hay hành động nào của các nước khác dựa trên phán quyết này. Trung Quốc một lần nữa ngang ngược khẳng định chủ quyền theo lịch sử của mình dù phán quyết của PCA đã bác bỏ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời mập mờ về việc tăng cường trang thiết bị quân sự trên biển Đông. Ảnh: Reuters
Trả lời câu hỏi của hãng tin Reuters về khả năng Trung Quốc chuyển thêm thiết bị quân sự trên biển Đông hay không, ông Lưu Chấn Dân trả lời một cách mập mờ: "Hải quân Trung Quốc có thể hoạt động bất kỳ lúc nào trên biển Đông vì đây là vùng biển chúng tôi có chủ quyền. Tôi thấy một số nước đã gửi cả tàu hàng không mẫu hạm đến biển Đông. Các anh có thể tự đưa ra kết luận cho mình".
Ông Lưu Chấn Dân còn ngang nhiên khẳng định: "Trung Quốc có quyền được lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông. Đây không phải là hệ thống do chúng tôi tự tạo nên, mà đã được thiệt lập bởi các nước lớn khác. Chúng tôi đã lập một ADIZ tại Hoa Đông". Ông này còn "đe dọa": "Việc lập ADIZ trên biển Đông sẽ tùy thuộc vào các diễn biến và mức độ đe dọa trong thời gian tới tại khu vực này".
Dù bác bỏ phán quyết nhưng Trung Quốc vẫn nói rằng mình tuân thủ mục đích và nguyên tắc của Hiến chương LHQ cũng như tôn trọng và hành động phù hợp luật pháp quốc tế. Trung Quốc cũng cảnh báo sẽ không chùn bước trong bảo vệ "quyền lợi" của mình ở biển Đông, đồng thời không quên thuyết phục các nước đồng ý giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng.