Hải quân bốn nước tuần tra biển Đông?

Đô đốc Harry B. Harris Jr., tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ), đã đề nghị thiết lập liên minh hải quân bốn nước Mỹ, Úc, Nhật và Ấn Độ. Đề nghị trên được đưa ra tại cuộc hội thảo Đối thoại Raisina tại New Delhi (Ấn Độ) tối 2-3.

Đối thoại Raisina do Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Quỹ Nghiên cứu nhà quan sát (Ấn Độ) tổ chức theo mô hình tương tự Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Ông Harry Harris đề nghị bốn nước đã nêu và các nước khác có cùng quan điểm có thể tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở bất kỳ nơi nào.

Theo báo The Hindu (Ấn Độ), ông Harry Harris tiết lộ năm ngoái, tại hội nghị ba bên Ấn Độ-Nhật-Úc đầu tiên, các bên đã thảo luận về an ninh hàng hải, trong đó có tuần tra tự do hàng hải và hợp tác ba bên ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Ông đề nghị nay cần xem xét ý tưởng mở rộng hợp tác ba bên thành bốn bên, trong đó có thêm Mỹ.

Ông khẳng định mục đích tăng cường hợp tác quân sự nhằm cải thiện tình hình an ninh và thịnh vượng khu vực.

Binh sĩ Mỹ từ tàu USS Antietam quan sát tàu sân bay Ấn Độ INS Viraat trong cuộc tập trận đầu năm 2016. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Ông ám chỉ đến Trung Quốc khi phát biểu: “Trong khi một số nước tìm cách dọa nạt các nước nhỏ bằng dọa dẫm và ép buộc, tôi nhận thấy Ấn Độ tiêu biểu cho cách thức giải quyết hòa bình các tranh chấp với các nước láng giềng ở Ấn Độ Dương”.

Phía Mỹ cũng thông báo chuẩn bị ký kết thỏa thuận về hậu cần để hải quân hai nước có thể sử dụng tài nguyên của nhau trong quá trình tiếp liệu và sửa chữa.

Báo New York Times ghi nhận đề nghị thiết lập liên minh hải quân bốn nước là đề nghị mới nhất trong hàng loạt đề nghị Mỹ nêu với Ấn Độ nhằm đối phó với chiến lược bành trướng trên biển của Trung Quốc.

Năm 2007, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã từng đưa ra ý tưởng hợp tác hải quân bốn nước. Trung Quốc đã có phản ứng ngoại giao gay gắt và gọi đó là “NATO thu nhỏ”. Sau đó, Úc tuyên bố rút khỏi liên minh.

Báo Washington Post ghi nhận tại Ấn Độ, từ khi Thủ tướng Narendra Modi cầm quyền hồi tháng 5-2014, Ấn Độ đã gia tăng hợp tác hải quân với Mỹ.

Năm 2014, Ấn Độ đã bày tỏ giận dữ khi tàu ngầm Trung Quốc cập cảng Colombo (Sri Lanka). Ấn Độ cũng thận trọng quan sát dự án “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc nhằm nối liền cảng Gwadar (Pakistan) với cảng Chittagong (Bangladesh).

Năm ngoái, khi Tổng thống Obama đến thăm Ấn Độ, hai nước đã công bố Tuyên bố chung về khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, báo New York Times nhận xét dù Mỹ hồ hởi nhưng đến giờ Ấn Độ chưa mặn mà với ý định tuần tra chung với Mỹ dù với danh nghĩa không đụng chạm đến ai như tuần tra chống hải tặc.

Dự kiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Thứ trưởng Quốc phòng Frank Kendall sẽ đến Ấn Độ vào tháng tới. Đây là chuyến thăm Ấn Độ lần thứ hai trong vòng một năm của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

. Báo Japan Today (Nhật) đưa tin Đô đốc Harry Harris thông báo Mỹ, Nhật và Ấn Độ sẽ tổ chức tập trận hải quân trên vùng biển phía Bắc Philippines trong năm nay. Hôm trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đã cảnh báo Trung Quốc phải ngừng quân sự hóa ở biển Đông, nếu không sẽ có hậu quả.

. Ngày 2-3, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Mỹ không muốn Trung Quốc sử dụng hải quân để dọa nạt tàu cá các nước khác trong vùng biển tranh chấp ở biển Đông. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Philippines thông báo tàu hải giám Trung Quốc được nhìn thấy ở bãi Hải Sâm cách đây hai tuần và ngày 2-3 không còn thấy tàu nữa.

__________________________________

Hy vọng trong tương lai không xa, hải quân Mỹ và Ấn Độ sẽ cùng tuần tra chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ RICHARD R. VERMA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm