Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ) - Đô đốc Harry Harris ngày 2-3 (giờ địa phương) đề xuất rằng Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ nên khôi phục một liên minh chiến lược không chính thức giữa hải quân bốn nước này, một thử nghiệm từng đổ vỡ cách đây gần một thập niên vì sự phản đối ngoại giao từ phía Trung Quốc.
Theo Thời báo New York, đề xuất trên là bước đi mới nhất trong một loạt các cuộc thảo luận của Mỹ với Ấn Độ, quốc gia được xem là khá thận trọng với việc thiết lập liên minh chiến lược, để tham gia một mạng lưới các cường quốc hải quân nhằm đối trọng trước sự mở rộng của hải quân Trung Quốc.
Trong một bài phát biểu, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Richard Verma bày tỏ hy vọng rằng "trong tương lai không xa", các cuộc tuần tra chung của tàu hải quân Mỹ và Ấn Độ "sẽ trở thành một hoạt động thường lệ và được hoan nghênh khắp các vùng biển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Một tàu hải quân Ấn Độ hoạt động gần TP cảng Visakhapatnam của nước này hồi tháng 1-2016. Ảnh: AP
Các quan chức cho biết sau 10 năm Ấn Độ khéo léo từ chối, Mỹ hiện đang tiếp cận rất gần một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần mà theo đó cho phép quân đội hai nước dễ dàng sử dụng các nguồn lực của nhau để tái cung cấp nhiên liệu và sửa chữa.
Thời báo New York cho biết các nhà phân tích Trung Quốc xem việc khôi phục một liên minh như vậy là hành động thù địch, thậm chí có người gọi đây là một “NATO thu nhỏ”.
Shen Dingli, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Fudan (Thượng Hải, Trung Quốc), đã bác bỏ đề xuất trên. Vị học giả nói rằng Ấn Độ sẽ không tham gia mạng lưới này vì sợ Trung Quốc trả đũa. “Trung Quốc thật sự có nhiều cách để gây bất lợi cho Ấn Độ”.
Mặc dù không đề cập trực tiếp Trung Quốc nhưng Đô đốc Harris cho biết thực tế các cường quốc đang tìm cách "bắt nạt những quốc gia nhỏ hơn thông qua đe dọa và ép buộc" và việc tăng cường hợp tác hải quân là cách tốt nhất để ngăn chặn điều này.