TƯ LỆNH HẠM ĐỘI THÁI BÌNH DƯƠNG MỸ:

‘Chúng tôi đã sẵn sàng hành động ở biển Đông’

Đô đốc Mỹ đã trấn an các đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương rằng Mỹ có đầy đủ năng lực quân sự để duy trì ổn định vào lúc Trung Quốc đang tăng cường biểu dương sức mạnh ở biển Đông.

Thêm tàu chiến lớp Freedom khi cần thiết

Sáu tuần sau khi nhậm chức tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), Đô đốc Scott Swift đã đến thăm Philippines trong bốn ngày kể từ ngày 16-7. Hôm 17-7, ông đã phát biểu với báo chí tại thủ đô Manila.

Ông khẳng định Mỹ có thể tăng cường triển khai tàu chiến khi cần thiết, đồng thời sẽ gia tăng tổ chức tập trận chung với các đồng minh trong khu vực.

Ông tiết lộ hạm đội Thái Bình Dương của ông đang trong tư thế sẵn sàng đáp trả mọi tình huống khẩn cấp theo lệnh điều động của tổng thống khi cần thiết. Ông cho biết ông hài lòng với lực lượng gồm 200 tàu chiến và tàu ngầm, gần 1.100 máy bay với hơn 140.000 lính thủy và nhân viên dân sự.

Ông tiết lộ sẽ có thêm nhiều tàu chiến lớp Freedom (tàu tác chiến ven bờ) được triển khai trong khu vực khi cần thiết. Tàu được trang bị súng phóng ngư lôi, tên lửa và máy bay trực thăng Seahawk.

Ông cho biết Mỹ đánh giá căng thẳng đang gia tăng, vậy nên cần phải giữ vai trò trụ cột về an ninh trong khu vực. Ông nói: “Lý do mọi người tiếp tục đặt câu hỏi về cam kết lâu dài của Mỹ và ý định của hạm đội Thái Bình Dương đã thực sự phản ánh tình hình bấp bênh hiện nay trong khu vực”.

Ông khen ngợi nỗ lực của Philippines trong tập trận với các đồng minh của Mỹ như Nhật. Ông kết luận: “Hợp tác đa phương luôn bảo đảm ổn định lâu dài”.

Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ không để các nước nản lòng với hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo hàng loạt của Trung Quốc trên biển Đông.

Đô đốc Scott Swift phát biểu với báo giới ngày 17-7 tại Manila (Philippines). Ảnh: AP

Người phát ngôn quân đội Philippines cho biết Đô đốc Scott Swift có nói ông có ý định dừng chân đầu tiên ở Philippines để khẳng định tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Philippines.

Mỹ đang triển khai tàu chiến USS Fort Worth ở Singapore. Đây là một trong bốn tàu chiến gần bờ 3.500 tấn đảm trách tuần tra ở biển Đông và nhiều khu vực. Mỹ cũng chuẩn bị bổ sung 52 máy bay cực kỳ hiện đại đảm trách hoạt động trên toàn thế giới.

Báo The Telegraph của Anh ghi nhận phát biểu nêu trên của Đô đốc Scott Swift được đưa ra một tháng sau khi Tổng thống Obama kêu gọi chấm dứt hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông.

Từ phòng vệ riêng sang phòng vệ tập thể

Cùng ngày 17-7, Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế và chiến lược của Pháp đã đăng bài phỏng vấn chuyên gia Edouard Pflimlin, giảng viên bộ môn quan hệ quốc tế tại ĐH Paris-X-Nanterre (Pháp).

Ông nhận định sự kiện Hạ viện Nhật vừa thông qua hai dự luật về an ninh quốc gia là bước ngoặt quan trọng trong chính sách quốc phòng Nhật.

Lý do: Các dự luật dự kiến sẽ chuyển từ học thuyết an ninh phòng vệ riêng sang học thuyết phòng vệ tập thể để Nhật có thể yểm trợ cho các đồng minh như Mỹ hoặc đưa quân tham gia các chiến dịch bảo vệ hòa bình quốc tế.

Ví dụ khi tàu chiến Mỹ bị tấn công và có yêu cầu yểm trợ, Nhật có thể điều quân đến ứng cứu. Hoặc vùng Vịnh đang bị kẻ thù vây hãm, Nhật có thể điều động tàu chiến đến đó.

Theo chuyên gia Edouard Pflimlin, có nhiều lý do để Nhật phải thay đổi chính sách quốc phòng.

Nhật nhận thấy môi trường địa-chính trị đang ngày càng bị đe dọa vì: Trung Quốc gia tăng phát triển tiềm lực quân sự, đặc biệt là hải quân và không quân; Trung Quốc đã áp đặt các yêu sách chủ quyền ở biển Đông và biển Hoa Đông; CHDCND Triều Tiên tiếp tục là mối đe dọa khi duy trì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.Xét đến hậu quả của bước ngoặt mới trong chính sách quốc phòng Nhật đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông nhận định hậu quả dẫn đến khá quan trọng:

- Nhật sẽ giữ vai trò lớn hơn trong liên minh quân sự Nhật-Mỹ.

- Nhật cũng có thể mở rộng liên minh với các đối tác quân sự như Philippines, Úc.

- Nhật sẽ giữ vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế như tham gia chống hải tặc ở vùng biển châu Phi.

- Trung Quốc sẽ bực tức vì mưu đồ bành trướng ở châu Á-Thái Bình Dương của Trung Quốc sẽ bị Nhật “kỳ đà cản mũi”.

Năm 2013, Philippines đã lên kế hoạch cải tạo căn cứ Subic

Báo Philippines Daily Inquirer ngày 18-7 đưa tin người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines khẳng định Bộ Quốc phòng vẫn giữ quyết định khôi phục căn cứ hải quân ở vịnh Subic trở thành căn cứ quân sự sau 24 năm Mỹ trả lại cho Philippines.

Căn cứ Subic được quân đội Mỹ thuê sau Chiến tranh thế giới thứ hai và đến năm 1991 thì đóng cửa vì Thượng viện Philippines không nhất trí gia hạn hợp đồng với Mỹ.

Người phát ngôn cho biết không có gì mới về vấn đề cải tạo căn cứ Subic bởi lẽ kế hoạch khôi phục căn cứ Subic đã được đưa ra năm 2013 trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa không quân. Người phát ngôn giải thích căn cứ Subic có sân bay lý tưởng thay vì phải xây sân bay mới tốn kém, căn cứ này chiếm vị trí chiến lược ở biển Đông và có cảng nước sâu đón được tàu chiến mới.

Người phát ngôn nhấn mạnh yếu tố biển Đông đã được tính đến trong quyết định sử dụng lại căn cứ Subic. Dự kiến Philippines sẽ đưa các máy bay chiến đấu mới và hai tàu khu trục đến căn cứ Subic vào năm tới. Hải quân Mỹ cũng có thể sử dụng căn cứ này trong khuôn khổ hiệp ước hợp tác quốc phòng nâng cao Mỹ-Philippines.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm