Năm 2016 đi qua chưa đầy một tháng nhưng hoạt động ngoại giao của các quan chức Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương đã trở nên tấp nập.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa đến thăm Lào, Campuchia và Trung Quốc. Tổng thống Obama đã chào đón Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đến Nhà Trắng hôm 20-1.
Trước đó, giữa tháng 1, Ngoại trưởng John Kerry cùng Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã gặp gỡ các đồng nghiệp Philippines trong tham vấn 2+2.
Trong bài viết trên tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 28-1, chuyên gia Brian Harding, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Vì tiến bộ Mỹ, nhận định trong tháng 2 tới, tốc độ tiếp cận ở cấp cao với châu Á sẽ tăng tốc khi Tổng thống Obama chủ trì hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN tại Sunnylands (Mỹ).
Theo chuyên gia Brian Harding, nước Mỹ đã thu hoạch đáng kể tại châu Á dưới thời chính quyền Obama như kết thúc thành công các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các thỏa thuận về tiếp cận quân sự ở Đông Nam Á và châu Đại Dương, thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu với Trung Quốc và các nguyên tắc chỉ đạo mới nhằm hiện đại hóa liên minh Mỹ-Nhật cùng nhiều vấn đề khác.
Tổng thống Obama hội đàm với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ngày 20-1 tại Phòng Bầu dục. Ảnh: AP
Những thành tựu này sẽ để lại di sản đáng kể cho tổng thống Mỹ kế tiếp để dựa vào đó tiếp tục đào sâu quan hệ với châu Á.
Tuy nhiên, một thành tố then chốt nhưng không được đánh giá đầy đủ về việc đặt trọng tâm vào châu Á là tạo dựng một cấu trúc đa dạng hơn bởi hành động can dự của Mỹ chỉ mới hình thành trước năm 2009.
Trong khi đó, khuôn khổ vững chắc của hành động can dự vào châu Âu đã phát triển trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh với các hội nghị thượng đỉnh thường kỳ của NATO và hàng loạt hội nghị cấp bộ trưởng của khối vốn ít có cơ cấu tồn tại ở châu Á để buộc các nhà lãnh đạo Mỹ phải tập trung vào châu Á.
Hậu quả là trong nhiều thập niên, khi các tổng thống và quan chức nội các Mỹ xem lại các cam kết trong năm, họ thấy hàng loạt cuộc gặp xuyên Đại Tây Dương chứ ít thấy yêu cầu phải can dự vào châu Á.
Tốc độ thăm viếng của tổng thống Mỹ đến châu Á bắt đầu tăng lên đáng kể từ thời Tổng thống Bill Clinton. Thế nhưng điều này không có nghĩa ông Clinton và người kế nhiệm Bush luôn có lý do để đến châu Á.
Họ đã không đến khu vực này khi các hội nghị APEC diễn ra ở châu Mỹ và châu Đại Dương (vào những năm 1997, 1999, 2004 và 2007).
Trong khi đó, Tổng thống Obama tạo ra khác biệt với hàng loạt chuyến thăm châu Á trong năm 2016. Hai bộ trưởng Ngoại giao và bộ trưởng Quốc phòng của ông cũng bận rộn với hoạt động can dự thường xuyên ở châu Á.
Chẳng hạn, hai bộ trưởng đã mở rộng hội nghị 2+2 cấp nội các, vốn trước đó chỉ được thực hiện với Nhật và Úc để bao gồm thêm Hàn Quốc và Philippines. Ngoại trưởng và bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng đã cùng nhau tham gia Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung.
Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đã tạo lập hàng loạt cơ chế can dự ở cấp dưới nội các, cụ thể như đối thoại về chiến lược và chính sách quốc phòng với Philippines và Malaysia.
Trong năm 2016, Tổng thống Obama chắc chắn sẽ phá kỷ lục của Tổng thống George W. Bush về số chuyến thăm của nguyên thủ Mỹ đến các nước châu Á. Ông đã có kế hoạch thăm Nhật vào tháng 7 để dự hội nghị G7, đến Lào vào tháng 9 để tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á, thăm Việt Nam trước hoặc sau Lào và rồi sẽ sang Trung Quốc dự hội nghị G20. _____________________________________ Trong bảy năm làm tổng thống, bảy chuyến đi của chủ nhân Nhà Trắng đến châu Á đã trở thành trụ cột chính cho “điều bình thường mới” về hoạt động can dự của Mỹ ở châu Á mà trợ lý ngoại trưởng Mỹ Danny Russell vẫn thường quảng bá. Giám đốc chương trình Đông Nam Á BRIAN HARDING |