Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 12-1 đã trải lòng trước lưỡng viện Quốc hội và người dân Mỹ bằng bản thông điệp liên bang cuối cùng trước khi rời nhiệm sở. Bản thông điệp liên bang cuối dù không còn được quan tâm nhiều và cũng không có những ý tưởng mới mẻ nhưng ông chủ Nhà Trắng vẫn dành nhiều tâm huyết để nói về những mong mỏi và quyết tâm của mình trong thời gian tại nhiệm ít ỏi còn lại.
Những lời hứa hẹn cuối cùng
Tổng thống Obama không ngần ngại nói về những thành tựu suốt bảy năm ông lãnh đạo nước Mỹ. Ông tuyên bố: “Nước Mỹ hiện nay đang có nền kinh tế mạnh nhất và bền bỉ nhất trên thế giới. Những ai khẳng định kinh tế Mỹ đang suy thoái đều chỉ là ảo tưởng”. Ông lạc quan về những chính sách đã thúc đẩy sự tiến bộ của nước Mỹ suốt thời gian qua, bao gồm chính sách cải cách hệ thống bảo hiểm y tế, tái tạo ngành công nghiệp năng lượng, công nhận hôn nhân đồng tính nhằm trao quyền tự do cho công dân nước Mỹ ở tất cả các bang được lập gia đình với người mà họ yêu thương, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ…
Vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đã tỏ ra lạc quan trong thông điệp liên bang của mình. Ông đề cập nhiều đến các vấn đề đối nội, một phần để khẳng định di sản chính trị của mình, một phần nhằm mở đường cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ứng cử viên đảng Dân chủ sắp tới. Trong khi nhấn mạnh các vấn đề như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc làm, giáo dục, năng lượng sạch… thì ông Obama chỉ lướt qua về các vấn đề đối ngoại như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan, dỡ bỏ cấm vận thương mại đối với Cuba, giải quyết các điểm nóng bất ổn Trung Đông, vốn là những vấn đề được dư luận thế giới quan tâm.
“Trong bài phát biểu cuối cùng tại điện Capitol hôm nay, tôi không muốn chỉ nói đến năm tới mà tôi muốn nhấn mạnh vào những gì sẽ diễn ra trong 5 năm, 10 năm tới và xa hơn nữa. Tôi muốn nhấn mạnh vào tương lai của chúng ta” - đó là khẳng định của Tổng thống Obama trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Bởi ông cho rằng tất cả người Mỹ đang sống trong một thời đại của những thay đổi lớn lao - những thay đổi trong cuộc sống hằng ngày, trong công việc hay xa hơn là thay đổi với cả hành tinh cũng như vị trí của nước Mỹ trên thế giới. Ông Obama đặt ra vấn đề làm cách nào để mọi người đều được trao cơ hội bình đẳng và một sự đảm bảo tài chính trong bối cảnh kinh tế mới. Tổng thống Mỹ dự kiến thúc đẩy mô hình của các doanh nghiệp hướng đến việc đối xử công bằng với người làm thuê để tư tưởng tiến bộ đó có thể được truyền bá khắp nước Mỹ. Ông Obama cũng mong muốn nước Mỹ sẽ đẩy mạnh công nghệ và thổi bùng lên ngọn lửa của tinh thần sáng tạo của người Mỹ để đáp ứng những thách thức lớn nhất hiện nay như biến đổi khí hậu. Cũng trong bài phát biểu này, ông Obama đã khẳng định tham vọng sẽ biến nước Mỹ thành quốc gia đầu tiên tìm ra phương thuốc chữa trị ung thư.
Ông Obama đọc thông điệp liên bang trước lưỡng viện Mỹ. Ảnh: REUTERS
Trở thành người “làm luật” ở châu Á -Thái Bình Dương
Trong lĩnh vực đối ngoại, Tổng thống Obama nhấn mạnh vị trí hùng cường của nước Mỹ trên trường quốc tế. Ông Obama đề cao cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là IS và al-Qaeda, hối thúc Quốc hội cho phép triển khai lực lượng Mỹ tham chiến chống IS. Tổng thống Mỹ cũng đề nghị Quốc hội thông qua những chính sách quan trọng như tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba. Ông Obama cũng mong muốn nước Mỹ sẽ là “người làm luật” ở châu Á-Thái Bình Dương trước những lo ngại Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế tại khu vực.
Điều ông Obama mong mỏi khắc phục nhất và có lẽ cũng là thách thức lớn nhất cho mọi lời hứa hẹn sau cùng của ông chính là sự chia rẽ trong nội bộ chính trị Mỹ. Với một lưỡng viện hiện nay được nắm bởi các chính trị gia đảng Cộng hòa đối lập, sẵn sàng phủ quyết mọi đề nghị mà chính phủ ông Obama đệ trình, chặng nước rút cuối nhiệm kỳ của ông Obama càng khó thêm gấp bội. Đã không ít lần những chiến dịch của ông Obama thất bại cay đắng trước một Quốc hội “thù địch” với mọi bước đi của ông, điển hình nhất là dự luật tăng kiểm tra an ninh đối với người mua súng năm 2013 khi 90% nghị sĩ đảng Cộng hòa “khai tử” đề xuất này.
Trong thông điệp liên bang của mình, ông Obama đã nói ra mong muốn các chính trị gia Mỹ phải thay đổi cách làm chính trị, gạt bỏ tư tưởng bè phái để đi đến những thống nhất, tranh luận mang tính xây dựng dựa trên lợi ích của nước Mỹ chứ không phải để giữ hay giành giật chiếc ghế. “Chúng ta phải đơn giản hóa bầu cử, thay vì phức tạp hóa và điều chỉnh sao cho phù hợp với thời thế hiện nay. Trong năm nay, tôi dự kiến sẽ đi khắp nước Mỹ để thúc đẩy cải cách phục vụ mục đích nói trên” - Tổng thống Mỹ nói. Thông điệp ông nhắn gửi phần nào đã gói lại những chính sách ông Obama sẽ thực hiện trong thời gian ngắn ngủi còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Di sản của ông Obama
Sau khi bài phát biểu thông điệp liên bang cuối cùng của Tổng thống Obama kết thúc, những bàn luận nhiều chiều về các di sản mà vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ để lại đã bắt đầu nổ ra. Tờ New York Times bình luận Barack Obama có thể là vị tổng thống “gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ sau Franklin Roosevelt”.
Đúng như ông Obama khẳng định, nước Mỹ hiện nay đã “khá” hơn rất nhiều so với nước Mỹ mà ông “tiếp nhận” hơn bảy năm về trước. Chính quyền của ông Obama đã đưa nước Mỹ thoát khỏi được cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ sau đại khủng hoảng 1939, mở đầu cho Thế chiến thứ hai. Mức thất nghiệp giảm mạnh còn 5%, thâm hụt ngân sách chỉ còn 2,5% GDP, hơn 14 triệu công việc mới được tạo ra và hơn 17 triệu người Mỹ đều được hưởng chăm sóc y tế. Thế nhưng theo tờ Wall Street Journal, tỉ lệ khởi nghiệp của người Mỹ cũng đồng thời giảm từ 650.000 doanh nghiệp mới năm 2006 xuống còn 400.000 vào năm 2012. Theo thống kê của Học viện Brooking, năm 2012 cũng là lần đầu tiên trong hơn ba thập niên, số doanh nghiệp phá sản cao hơn số doanh nghiệp thành lập tại Mỹ trong một năm. Tờ Wall Street Journal bình luận tinh thần khởi nghiệp của người Mỹ trong thời của ông Obama đã bị sụt giảm.
Một nước Mỹ mới đang định hình bởi Obama
Trong khi đó, việc ông Obama chú trọng theo đuổi các chính sách đối nội đã khiến chính sách đối ngoại của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Obama thường xuyên bị đánh giá là “yếu đuối”. Dù ông Obama đã kết thúc được cuộc chiến mà nước Mỹ sa lầy tại Iraq, khu vực Trung Đông mà nước Mỹ để lại giờ đây đã lâm vào tình cảnh vô cùng bất ổn. Không có sự chống lưng của quân đội Mỹ, sự yếu kém của chính phủ Iraq đã tạo điều kiện cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trỗi dậy mạnh mẽ. Nỗi lo sợ về chính quyền Iran tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân vẫn còn đó, trong khi những sách lược của Mỹ đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc bị đánh giá là thiếu tính chủ động. Không còn quá lạ lẫm khi những nhân vật được bình chọn là “quyền lực nhất thế giới” những năm gần đây không phải “ông chủ” Nhà Trắng mà là tổng thống Nga Putin.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng có lẽ những di sản mà ông Obama để lại chỉ thật sự được nhìn nhận và trân trọng một cách khách quan trong tương lai xa hơn, chứ không phải trong nhiệm kỳ cuối cùng mà ông nắm giữ chiếc ghế tổng thống Mỹ. Những điều mà chính quyền của ông Obama đấu tranh để xây dựng như quyền được kết hôn của người đồng tính, đạo luật bảo hiểm y tế toàn quốc, hay việc chuyển hướng nước Mỹ sang công nghệ năng lượng sạch đều đặt ra những nền móng cho một nước Mỹ của tương lai. Tờ New York Times bình luận có thể người dân Mỹ lúc này không cảm nhận được những thay đổi to lớn mà ông Obama đang từng bước tạo nên. Nhưng những thế hệ trẻ sau này, những thanh thiếu niên lớn lên trong bảy năm ông Obama tại nhiệm sẽ chịu những tác động vô cùng lớn với một xã hội Mỹ được định hình bởi những chính sách của ông.