Tuần báo Navy Times của hải quân Mỹ ngày 22-1 đưa tin cuộc tập trận thường niên mang tên Guam Exercise (GUAMEX) giữa hải quân Mỹ và lực lượng phòng vệ biển Nhật đã bắt đầu từ ngày 20-1 tại vùng biển Guam.
Đảo Guam bận rộn
Các tàu khu trục USS Mustin (DDG 89) và USS McCampbell (DDG 85) của Mỹ thao diễn với hơn nửa chục chiến hạm của lực lượng phòng vệ biển Nhật.
Nội dung tập trận chủ yếu là tác chiến phòng không, chống ngầm và chống tàu mặt nước.
Cuộc tập trận cũng bao gồm các máy bay trực thăng MH-60R Sea Hawk, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, máy bay tuần tra biển và tàu ngầm.
Ông Ed Sundberg, chỉ huy tàu khu trục USS McCampbell, nhấn mạnh: “Quan hệ của chúng tôi với Nhật có nền tảng là các hoạt động trên biển mà chúng tôi tiến hành cùng với lực lượng phòng vệ biển Nhật trên khắp khu vực. Điều quan trọng là chúng ta biết nhau, vì thế chúng ta có thể cải thiện sự tinh thông và ứng phó về chiến thuật”.
Cuộc tập trận nhằm cung cấp môi trường huấn luyện, tăng cường hiểu biết lẫn nhau về chiến thuật của mỗi nước, các nghi thức và thủ tục thông tin liên lạc. Tập trận chung cũng nhằm củng cố tính nhất quán giữa Mỹ và Nhật đồng thời tăng cường năng lực quốc phòng.
Tàu khu trục USS McCampbell tham gia cuộc tập trận GUAMEX. Ảnh: Hải quân Mỹ
Thời gian tập trận kéo dài từ ngày 10 đến 26-2. Mục đích nhằm củng cố kỹ năng tác chiến và khả năng ứng phó phối hợp của binh sĩ các nước tham gia.
Khẳng định liên minh Mỹ-Nhật
Các cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh Nhật thực hiện vai trò ngày càng quyết đoán trong vấn đề an ninh khu vực do hành động khiêu khích của Trung Quốc như cấp tập xây dựng các đảo nhân tạo và các cơ sở phi pháp như đường băng trên biển Đông, áp đặt vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.
Báo Nikkei Asian Review đưa tin trong bài phát biểu về chính sách trước Quốc hội Nhật ngày 22-1, Ngoại trưởng Fumio Kishida khẳng định củng cố liên minh với Mỹ là một trong những trụ cột chính trong chính sách đối ngoại Nhật.
Ông đánh giá tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng xấu đi và trong năm qua “an ninh hàng hải đã trở nên quan trọng hơn”.
Tuy nhiên, ông khẳng định Tokyo sẽ tăng cường các nỗ lực nhằm bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật đối với “các vùng biển mở và ổn định”.
Ông tuyên bố thẳng thừng “Nhật không thể chấp nhận như sự đã rồi” đối với hành động Trung Quốc đã làm tại biển Đông hòng thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
Theo tuần báo Navy Times, giới chức hải quân Nhật đã tuyên bố họ có thể sớm bắt đầu tuần tra ở biển Đông cùng với các tàu chiến Mỹ.
4.800 lính Mỹ tại đảo Guam
Hãng tin Mỹ McClatchy đưa tin đảo Guam (lãnh thổ Mỹ ở Tây Thái Bình Dương) sẽ trở thành trung tâm dành cho một lực lượng 4.800 lính thủy đánh bộ giữ nhiệm vụ sẵn sàng cho chiến tranh và đối phó thảm họa ở Đông Á.
Theo hãng tin này, Bộ Quốc phòng Mỹ đang tìm kiếm các địa điểm mới cho Mỹ và các đồng minh diễn tập quân sự gần hiện trường các cuộc xung đột tiềm tàng.
Đảo Guam và quần đảo Mariana là các vị trí lý tưởng vì là lãnh thổ Mỹ, cung cấp mặt bằng đáng tin cậy mà không phải lo ngại chính phủ nước ngoài bất ngờ rút thỏa thuận quan hệ đối tác với quân đội Mỹ.
Điều này đã trở thành mối bận tâm đối với các nhà hoạch định quân sự Mỹ từ khi Philippines ngừng cho phép hải quân Mỹ sử dụng căn cứ Subic vào năm 1992.
Tại Guam và quần đảo Mariana, Lầu Năm Góc có không gian để tổ chức tập trận quy mô lớn.
Guam nằm kế cận cơ sở huấn luyện dưới nước ở rãnh Mariana nên trở thành địa điểm hiếm hoi để quân đội Mỹ kết hợp chiến tranh trên bộ và trên biển. Guam cũng sẽ đón tiếp lực lượng Mỹ đóng trên đảo Okinawa (Nhật) vốn đã bị dân chúng địa phương phản đối.
Nhật đang bỏ ra hơn 1/3 chi phí (ước tính 8,7 tỉ USD) để tạo lập các cơ sở mới cho lính thủy đánh bộ Mỹ. Nhật có thể tham gia tập trận chung nếu các cơ sở huấn luyện được xây dựng còn lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ sẵn sàng ứng phó với thảm họa ở Nhật.
Ngày 22-1, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và Đại sứ Mỹ tại Nhật Caroline B. Kennedy đã ký kết kéo dài thỏa thuận tài chính liên quan đến lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật đến năm 2020. Tại lễ ký, ông Fumio Kishida tuyên bố sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nhật là cần thiết để bảo đảm an ninh Nhật đồng thời bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực. Đại sứ Mỹ Caroline Kennedy nhấn mạnh thỏa thuận giữa hai nước sẽ bảo đảm cho lực lượng Mỹ duy trì tình trạng sẵn sàng rất cao. Bà đánh giá liên minh Mỹ-Nhật hiện nay mạnh về mọi mặt hơn bao giờ hết. Cùng ngày, quân đội Mỹ đã triển khai 26 máy bay tàng hình đến căn cứ không quân Yokota (Nhật). Người phát ngôn quân đội Mỹ cho biết mục đích triển khai nhằm bảo đảm ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương và bảo vệ Nhật trước mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên. Mỹ đã hai lần triển khai máy bay tàng hình F-22 đến Nhật vào năm 2007 và năm 2013 để huấn luyện. _________________________________ Quân đội Mỹ kiểm soát hơn 1/4 trong diện tích 541,3 km2 của đảo Guam. Tại đây hiện có một căn cứ hải quân, cảng tàu ngầm và một căn cứ không quân. Khi Mỹ tăng cường xây dựng các khu vực huấn luyện mới có nghĩa là 3/15 đảo thuộc quần đảo Mariana sẽ được sử dụng chủ yếu cho quân sự. Hiện quân đội Mỹ đã sử dụng một đảo để tập ném bom bằng máy bay. |