Mỹ, Nhật thúc đẩy đề cập biển Đông tại cuộc họp với ASEAN
Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết Bắc Kinh hồi tháng 2 năm nay khẳng định rằng Trung Quốc không muốn vấn đề biển Đông được thảo luận tại cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á và các đối tác từ khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Kuala Lumpur vào ngày 4-11-2015.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói rằng Mỹ sẽ tuần tra "tự do hàng hải" ở bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép và biển Đông là không ngoại trừ. (Ảnh: Indianexpress)
Tuy nhiên, vị quan chức quốc phòng Mỹ này cho biết: "Chúng tôi đã nói rõ rằng các phát ngôn liên quan đến biển Đông nên được đưa vào nhưng có những thành viên có cái nhìn khác biệt". Ông cũng nói thêm rằng Trung Quốc là trở ngại chính.
Theo một nguồn thân cận với các cuộc thảo luận, bản dự thảo về các tuyên bố trong cuộc học được chuẩn bị bởi nước chủ nhà Malaysia không đề cập đến vấn đề biển Đông. Thay vào đó, kế hoạch tập trung vào vấn đề chống khủng bố và hợp tác an ninh khu vực.
Trong buổi khai mạc tại một cuộc họp riêng của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN ngày 3-11, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng không đề cập đến vấn đề biển Đông.
Dự kiến vào ngày 4-11-2015, 10 bộ trưởng quốc phòng của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng bộ trưởng từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Úc sẽ có cuộc thảo luận cùng nhau. Cuộc họp, lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2006, là một nền tảng để thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein không đề cập đến vấn đề biển Đông trong buổi khai mạc tại một cuộc họp riêng của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN ngày 3-11. (Ảnh: SMH)
Các nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán tại Kuala Lumpur cho biết Nhật Bản đã yêu cầu Malaysia "cải thiện" dự thảo và chú ý đến vấn đề biển Đông. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước đây đã chỉ trích hành động của Trung Quốc tại khu vực.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh sau khi Mỹ hôm 27-10 đưa tàu khu trục USS Lassen vào vùng 12 hải lý quanh một trong các đảo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa, thách thức chủ quyền vô lý của Bắc Kinh.
Phía Bắc Kinh phản ứng dữ dội và bày tỏ "quan ngại" mạnh mẽ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói rằng Mỹ sẽ tuần tra "tự do hàng hải" ở bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép và biển Đông là không ngoại trừ.