Ông là nhạc sĩ của hàng loạt ca khúc nổi tiếng: Hò kéo pháo, Tôi là người thợ lò, Chào anh giải phóng quân, Người chiến sĩ ấy, Tình ca Tây Nguyên, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi,… được nhiều thế hệ khán giả yêu mến.
Nhạc sĩ Hoàng Vân
Nhiều ca khúc của ông trở thành bài hát truyền thống của các ngành như Bài ca xây dựng, Tôi là người thợ lò, Bài ca giao thông vận tải, Bài ca người giáo viên nhân dân, Hát về cây lúa hôm nay, Bài ca người thủy thủ…
Dòng chia buồn trên trang cá nhân của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai - tác giả ca khúc nổi tiếng "Huế tình yêu của tôi".
Hoàng Vân sinh năm 1930 tại Hà Nội trong một gia đình nho học. Ông đóng góp cho ngành âm nhạc với những học trò tên tuổi An Thuyên, Trương Tuyết Mai, Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Phú Quang...
Nhạc sĩ Hoàng Vân (trái) và nhạc sĩ Trương Tuyết Mai (phải). Ảnh FB của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai.
Nhạc sĩ Hoàng Vân được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.
Ca khúc "Hát về cây lúa hôm nay" do Trọng Tấn trình bày (Nguồn YouTube)
Hoàng Vân sinh 24 tháng 7 năm 1930 tại Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình Nho học, cha và ông nội đều là nhà nho. Gia đình ông sống ở phố Hàng Thùng. Hoàng Vân vẫn tự hào là ít có người sống trong phố cổ Hà nội từ lúc sinh ra đến năm hơn 80 tuổi. Năm 16 tuổi, ông gia nhập Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I), Hà Nội, rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Sau đó ông tham gia Đội Tuyên truyền võ trang Lao Hà, làm báo chí và công tác địch vận của trung đoàn, sư đoàn, và sau đó phụ trách văn nghệ ở Sư đoàn 312. Sau 1954, hòa bình lập lại, ông được gửi đi tu nghiệp tại Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc. Khi về nước, ông chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, đồng thời tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội cho đến năm 1989. Từ năm 1963 đến năm 1989, ông là uỷ viên Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam, là trưởng ban sáng tác thanh nhạc và công tác tại Hội cho đến năm 1996. Năm 1975, ông đi thực tập một thời gian tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria. Ông sống ở Hà Nội. Ngoài ra ông còn có sở thích viết thư pháp, chơi đồ cổ và đọc sách. Hoàng Vân qua đời vào sáng ngày 4 tháng 2, năm 2018. Trước đó, ông bị bệnh viêm phổi và một số bệnh tuổi già. (Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) |