Đây là những câu hỏi do các em học sinh khối 7, 9 Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM đặt ra sau phiên tòa giả định vụ án cố ý gây thương tích, diễn ra mới đây.
Phiên tòa giả định diễn ra tại sân Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM
Phiên tòa với chuyên đề phòng, chống bạo lực học đường do Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, Hội Luật gia, Phòng Tư pháp, Phòng Giáo dục quận 3 và Trường THCS Lê Quý Đôn phối hợp thực hiện.
"Đánh nhau bằng cây sắt là rất hiếm"
Tình huống giả định được đặt ra là do có mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook từ trước giữa hai học sinh học lớp 10 là Trần Phi Công và Huỳnh Minh nên cả hai hẹn nhau ra bên hông sân vận động để nói chuyện. Sau khi hẹn với Công, Minh gọi điện kể cho Sơn nghe và hỏi Sơn có cây cho Minh mượn để đi đánh nhau và rủ Sơn đi cùng. Sau đó Minh rủ thêm ba người bạn đến nơi hẹn. Trong khi đó Sơn đến nhà bạn mượn cây sắt rồi mang ra sân vận động.
Đến sân vận động, thấy Minh và Công đang nói chuyện, cho rằng Minh xấc xược với Công, Sơn lấy cây sắt đánh hai cái trúng đầu Công khiến em này té xuống bất tỉnh, bị thương tật 55%.
Sau khi vụ việc xảy ra, gia đình Sơn đã bồi thường chi phí điều trị vết thương cho em Công là 34 triệu đồng.
Đại diện VKS đã đề nghị xử phạt bị cáo về tội cố ý gây thương tích với mức án từ ba đến ba năm sáu tháng tù; buộc giám hộ bị cáo bồi thường điều trị chi phí điều trị thương tích cho người bị hại.
Luật sư bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa.
Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX xem xét tuyên phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, từ hai đến hai năm sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Sơn hai năm tù nhưng cho hưởng án treo, đồng thời mẹ của bị cáo phải bồi thường tổn thất về tinh thần, chi phí bồi dưỡng sức khỏe, thu nhập bị mất tổng số tiền là 50 triệu đồng.
Đây là tình huống liên quan đến bạo lực học đường với cả người bị hại và bị cáo đều đang ở tuổi vị thành niên, còn ngồi trên ghế nhà trường.
Nghe HĐXX tuyên án
Một tình huống rất dễ gặp trong đời sống hằng ngày của các em học sinh với những mâu thuẫn xuất phát từ cuộc sống, trong trường, lớp hay trên mạng xã hội. Tuy nhiên, một học sinh lớp 9/12 nêu ý kiến: "Phiên tòa giúp em hiểu được nhiều vấn đề. Từ quy định của pháp luật cách thức, trình tự diễn biến phiên tòa. Nhưng phiên tòa kéo dài quá, khiến em đôi lúc hơi buồn ngủ. Mặt khác, tình huống dùng tuýp sắt đánh người em nghĩ là rất hiếm hoi. Trong khi những mâu thuẫn khiến các học sinh đánh nhau trong trường hoặc hẹn nhau ra ngoài đánh nhau xảy ra rất thường xuyên. Em mong sẽ có nhiều phiên tòa giả định khác được tổ chức với những tình huống gần gũi với học sinh hơn nữa".
Em Khánh Hân, học sinh lớp 7/7 thì cho rằng số tiền bồi thường là quá cao và mức án mà VKS đề nghị cũng cao quá. Tuy nhiên, sau khi tòa tuyên mức án như trên thì em nhận xét: "Như vậy là vừa. Chỉ vì những lời nói qua nói lại mà dùng cây đánh vào đầu là quá đáng. Qua phiên tòa giúp em hiểu được nhiều điều hơn trong cuộc sống hằng ngày cũng như cách ứng xử với mọi người, bạn bè trong lớp hay trên mạng xã hội".
"Bị cáo chắc chắn phạm tội, sao lại có luật sư?"
Sau phiên tòa, các thành viên trong Chi hội Luật sư đã tiếp tục giao lưu với các em học sinh. Hàng loạt câu hỏi đã được các em đưa ra khiến các luật sư không khỏi bất ngờ kèm thú vị.
Tham gia đặt câu hỏi cùng "Hội đồng xét xử"
Một em học sinh lớp 9/4 đã hỏi ngay: “Nếu bị cáo là con của quan chức thì có được giảm án hoặc tăng nặng hình phạt không?”.
Luật sư Nguyễn Thị Đào trả lời ngay cho em: Không có sự ưu tiên nào đối với con quan chức. BLHS cũng không quy định con quan chức thì được hưởng hình phạt khác. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và có trách nhiệm phải tuân thủ pháp luật”.
Luật sư Trương Thị Hòa (giữa) đang giải thích luật cho một em học sinh lớp 7
Một em học sinh khác cũng giơ tay xin hỏi: “Đã biết chắc chắn bị cáo phạm tội rồi, sao lại có luật sư bào chữa?”. Luật sư Trương Thị Hòa ôn tồn giảng giải: “Mỗi vụ án luôn có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ, cần được xem xét khi xét xử. Luật sư sẽ phân tích những tình tiết này hay phân tích hoàn cảnh cũng như nhân thân của bị cáo để HĐXX xem xét mức phạt. Quyền bào chữa là một quyền được Hiến pháp quy định, cũng là quyền con người được công ước về quyền con người ghi nhận. Một người khi phạm tội đều có quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa cho mình. Đặc biệt đối với trẻ vị thành niên hoặc người bị truy tố ở mức án cao nhất thì luôn luôn có luật sư để bảo vệ”.
Rất nhiều câu hỏi khác được các em học sinh đặt ra chứng tỏ các em rất quan tâm đến phiên tòa cũng như những vấn đề pháp luật liên quan: trẻ vị thành niên phạm tội giết người có bị tử hình không? Bị cáo trên 18 tuổi, nếu tự bào chữa thì có được giảm án không? Bị cáo đã phạm tội, nếu phạm tội nữa có bị xử phạt nặng hơn không? Hay án treo là gì? Một vụ án bị cáo bị kết án tử hình sau đó phát hiện oan thì phải làm sao?
Đặc biệt, câu hỏi “em bị hiếp dâm, nếu em giết kẻ hiếp dâm thì em có phạm tội không?” của một nữ sinh lớp 9 khiến không chỉ các bạn học sinh khác bất ngờ mà “Hội đồng xét xử” cũng một thoáng ngạc nhiên!
Lúc này, luật sư Nguyễn Thị Đào giải thích: Khi một người bị tấn công, cụ thể là bị xâm hại tình dục, nếu mình chống cự lại bằng cách tấn công lại và gây hậu quả cho người đó thì tòa sẽ xem xét, nếu có đầy đủ chứng cứ chứng minh thì sẽ được xem là phòng vệ chính đáng, có khả năng được miễn trách nhiệm hình sự.
Luật sư Trương Thị Hòa cũng bổ sung thêm: “Các em phải lưu ý, phòng vệ chính đáng phải tương xứng. Không có chuyện mình bị tấn công hôm nay rồi để mấy ngày sau mình quay lại tấn công rồi nói là phòng vệ chính đáng. Điều này là không được”.
Sôi nổi xung phong đặt câu hỏi
Phát biểu sau khi kết thúc phần giao lưu, luật sư Nguyễn Sơn Lâm, người giữ vai trò thẩm phán chủ tọa trong phiên tòa giả định, bày tỏ sự thích thú trước các câu hỏi của các em học sinh: “Tôi đã đi diễn án rất nhiều nơi và thấy rằng suy nghĩ của các em học sinh quả thật là khôn lường. Với các em ở nội thành, dường như suy nghĩ có già dặn hơn nên các em đặt nhiều câu hỏi đôi khi khiến mình bất ngờ trước suy nghĩ của các em. Trong khi các học sinh ngoại thành thường đặt những câu hỏi khá đơn giản và ngây thơ nhưng cũng rất thiết thực: "Ở tù rồi làm sao đi học? Ra tù thì nhà trường có cho đi học lại không?”.
Thầy Vũ Vạn Xuân, Hiệu phó nhà trường, bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên trường tổ chức phiên tòa giả định. Với cách thức này, việc tiếp cận pháp luật cho học sinh sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn rất nhiều. Các em cũng thấy được hậu quả của sự nổi nóng đánh nhau hay thích chứng tỏ mình, cũng như thấy hậu quả mà cha mẹ phải gánh thay khi phải mất tiền bồi thường mà còn tổn thương về tinh thần, sức khỏe các kiểu. Phiên tòa diễn ra như thật cũng giúp các em học sinh nắm được các thủ tục một phiên tòa, qua đó góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho học sinh”.
Khi gặp bất trắc, hãy gọi 1800-9069 Luật sư Trần Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em cũng hướng dẫn các học sinh ghi nhớ số điện thoại đường dây nóng can thiệp và trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bạo lực: Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM: 18009069; Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM: 19545559. |