Cuộc đời ông, cho đến ngày người thân, học trò nói lời vĩnh biệt thì mỗi ngày sống đúng là mấy trăm năm bởi ông đã cho nhiều hơn nhận về mình.
Người làm nên tên tuổi Trường Nghệ thuật Quân đội
Nhiều người nói nếu không có nhạc sĩ An Thuyên sẽ không có ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội hôm nay. Quả thực, nếu một nhạc sĩ không vì một mái trường như một nơi ươm mầm tài năng thì có lẽ đến giờ không chỉ không có ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội mà còn không có nhiều thế hệ ca sĩ: NSƯT Thanh Thúy, Hồ Quỳnh Hương, Minh Chuyên, Văn Mai Hương, Hoàng Quyên…
Như lời kể của nhạc sĩ Phú Quang, một người bạn của nhạc sĩ An Thuyên từ năm 1976-1977, thì “anh là người có tâm, khi về làm ở Trường Nghệ thuật Quân đội, anh là người có công rất lớn với trường để đưa trường từ đơn vị nhỏ bé vài giảng viên và mười mấy người học trở thành trường ĐH như hiện nay”.
Không chỉ vậy, nhạc sĩ Phú Quang còn chia sẻ nhạc sĩ An Thuyên là người rất yêu quý các ca sĩ. “Anh có công đưa nhiều ca sĩ quân đội trở thành ca sĩ trong thị trường âm nhạc với những vị trí xứng đáng hơn và là người biết trân trọng tài năng” - nhạc sĩ Phú Quang nói.
Sự trân trọng tài năng của nhạc sĩ An Thuyên không chỉ những thế hệ ca sĩ từ trường biết đến mà ngay với những khán giả quen theo dõi chương trình truyền hình cũng sẽ thấy rõ. Đó là mỗi kỳ diễn ra các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát trên truyền hình như: Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn, Thần tượng âm nhạc Việt Nam… rất nhiều lần vào phút cuối chương trình, một số thí sinh có tài năng dù có thể chưa đạt giải ở các sân chơi này vẫn được nhận vào học tại Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội với đặc cách từ hiệu trưởng là nhạc sĩ An Thuyên.
Nhạc sĩ An Thuyên là người tạo nên dấu ấn chương trình Bài hát Việt khi nhiều mùa ông là chủ tịch hội đồng thẩm định. Ảnh: NGUYỄN Á
Có tài sẽ đặc cách không cần tuổi
Không ít gương mặt ca sĩ thành danh trên thị trường vốn được xuất phát từ đặc cách của nhạc sĩ An Thuyên. Ca sĩ Văn Mai Hương cho biết: “Nếu không có thầy đặc cách cho học sẽ không có một Văn Mai Hương ngày hôm nay”.
Bởi Văn Mai Hương là thí sinh đăng ký vào học hệ trung cấp thanh nhạc tại Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Và theo quy định thì thường thí sinh vào trung cấp phải từ 16 tuổi trở lên. “Năm đó thầy Thuyên trực tiếp ngồi sát hạch thí sinh thi tuyển vào trường, tôi thi được thủ khoa nhưng lại chưa đủ tuổi học. Thầy là người đích thân đặc cách đưa giấy cho tôi được vào trường học” - ca sĩ Văn Mai Hương kể.
Cũng tương tự như Văn Mai Hương là ca sĩ Hoàng Quyên. Cô là người được nhạc sĩ An Thuyên tuyển thẳng vào hệ trung cấp của trường vào năm 15 tuổi. “Ngày đó tôi dự thi hát cho trường THPT, tôi học lớp 10, lúc đó thầy phụ trách chấm thi hát là thầy hiệu phó của Trường Nghệ thuật Quân đội. Sau khi nghe tôi hát, thầy hiệu phó về nói với thầy Thuyên. Thầy Thuyên cho tôi xuống Trường Nghệ thuật Quân đội hát trực tiếp cho thầy nghe. Sau đó thầy cho tôi tuyển thẳng vào học chung một lớp đã hoàn thành thi tuyển cách đó một tháng” - ca sĩ Hoàng Quyên kể thêm về nhạc sĩ An Thuyên.
Nhạc sĩ An Thuyên ưu ái tài năng và theo dõi rất kỹ càng sự phát triển của những tài năng đó. Như lời ca sĩ Văn Mai Hương thì “mỗi kỳ thi học kỳ, tốt nghiệp thầy luôn có mặt để theo dõi từ đầu đến cuối học sinh của mình”.
Dẫu trọng tài năng nhưng với sự nghiêm khắc vốn có của nhà lính, nhạc sĩ An Thuyên vẫn quyết “trị” những trường hợp nào không tuân thủ kỷ luật của trường. “Trong trường, thầy như là người cha của các con nhưng thầy không phải dễ tính. Thầy chiều học sinh có tài nhưng từng có những trường hợp rời khỏi trường vì vi phạm kỷ luật” - ca sĩ Hoàng Quyên kể.
Với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên của trường mà sau này là những ca sĩ thành danh thì nhạc sĩ An Thuyên là người truyền cho họ tinh thần hăng say lao động trong âm nhạc. Bởi ngay chính bản thân nhạc sĩ An Thuyên như nhận định của nhạc sĩ Phú Quang thì “về mặt âm nhạc anh An Thuyên là người tài năng và cho đến cuối đời anh luôn khát khao xây dựng những môi trường văn hóa đúng nghĩa dù ở bất cứ lĩnh vực nào”.
Chỉ có một buổi sáng để viếng nhạc sĩ An Thuyên Thiếu tướng-nhạc sĩ Nguyễn An Thuyên sinh năm 1949 tại Nghệ An. Ông qua đời vào 16 giờ 20 phút ngày 3-7 tại BV Trung ương quân đội 108 (Hà Nội) do nhồi máu cơ tim cấp, hưởng thọ 66 tuổi. Ông nguyên là Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VII, Đảng ủy viên Đảng ủy cơ quan Tổng cục Chính trị khóa XVI. Linh cữu quàn tại BV Trung ương Quân đội 108. Lễ viếng Thiếu tướng-nhạc sĩ Nguyễn An Thuyên được bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 9-7 (tức 24-5 năm ẤT Mùi). Lễ truy điệu vào lúc 12 giờ 30 cùng ngày tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lễ an táng cùng ngày tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình). |