Thi xong rồi còn mệt hơn chưa thi

“Mỗi lượt nộp hồ sơ là 33.000 đồng, chưa kể tiền gửi bưu điện hay có người còn tàu xe, cơm nước đến tận nơi, rồi người rút kẻ nộp. Tất cả rối rắm hết cả lên, thấy trường này không có khả năng vào thì rút nộp trường kia, nộp vào trường kia xong điểm nó lên lại rút ra nộp trường khác. Chúng tôi mệt mỏi lắm rồi”, chị Nguyễn Thị Phương, phụ huynh học sinh bức xúc cho biết

Thi một lần nhưng chẳng khác thi hai lần

Cô Lê Thị Hiền quê ở Long Xuyên (An Giang) bắt xe từ 12h đêm, đến 5h sáng tới Sài Gòn. Thế nhưng phải đến gần 1h chiều cô và con gái mới có mặt tại trường Đại học Kinh tế TPHCM để làm thủ tục và nghe tư vấn. Hỏi ra mới biết đây là lần đầu tiên cô lên Sài Gòn và phải “tốn hơn 100.000 tiền xe buýt vì bắt lộn mấy chuyến rồi mới tới đúng trường”.

Dù được tư vấn nhiệt tình nhưng các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng 

Cô bảo chỉ định cùng con lên nộp hồ sơ rồi về, nhưng trên đường đi con gái nhận được tin nhắn của bạn bảo đã tụt xuống hơn 200 bậc nên cô quyết định ở lại đến 20 mới về. Gia đình không mấy khá giả nên hai mẹ con phải tiết kiệm từ việc không dám đặt vé giường nằm mà chỉ dám nằm luồng (lối đi giữa các dường nằm). Hỏi thăm cô đã ăn gì chưa, cô giật mình nhìn con gái rồi cười trừ: “Hai mẹ con ăn từ chiều qua rồi, đi lạc đường lại lo lắng nên cũng chẳng còn tâm trạng nào mà ăn uống”.

Những người ở xa như cô Hiền, có người phải bắt xe đò đi từ khuya, lên thành phố không quen được đường sá, nên chuyện ăn uống cũng phải tính từng đồng. Nhiều người chấp nhận thuê nhà trọ gần trường để tiện cập nhật thông tin. Nhiều trường hợp do không rành rẽ lại quá lo lắng nên để mất hết giấy tờ, trong đó quan trọng nhất là giấy chứng nhận kết quả thi.

Việc thay đổi cách thức tuyển sinh năm nay khiến nhiều phụ huynh, học sinh lúng túng, nhiều người tỏ ra “đuối sức” khi cuộc đua chỉ còn vài ngày là đến hồi kết. Ông Nguyễn Văn Chính (81 tuổi, ở P.4, Q. Tân Bình, nguyên Hiệu phó trường Đại học Mở) vì lo lắng cho việc đỗ đạt của người cháu nội nên đã bắt xe bus lên tận trường Đại học Kinh tế để nhận được sự tư vấn của các thầy cô.

Ông Nguyễn Văn Chính (81 tuổi) đến tận trường hỏi để hỏi thăm cho cháu nội 

Ngồi ủ rũ trên ghế chờ, anh Trần Văn Hiền cho biết đây là lần thứ hai anh thay con đến làm thủ tục rút hồ sơ. Lần đầu tới đây anh không có giấy ủy quyền nên không rút được. “Tôi làm nghề phụ hồ trong này, có biết gì đâu, con thì ở tận Thanh Hóa. Gia đình tôi lo lắng từ lúc chờ điểm thi, rồi nộp hồ sơ, nộp rồi lại rút… mệt mỏi quá. Thi một lần nhưng có khác gì thi hai lần đâu”.

Điểm cao cũng lo bị “đánh úp”

Những ngày qua, tình trạng thí sinh xếp hàng mòn mỏi chờ nộp hồ sơ diễn ra ở nhiều trường đại học tại TP HCM và Hà Nội. Chỉ còn 3 ngày nữa là hết hạn, các trường sẽ công bố điểm trúng tuyển. Các em ở cuối danh sách trúng tuyển dự kiến đang lo sợ các thí sinh điểm cao bất ngờ nộp hồ sơ vào phút chót thì mình sẽ “văng” khỏi danh sách.

Là một trong hơn 1000 học sinh có mặt tại trường ĐH kinh tế TPHCM chiều 17-8, em Phạm Lê Minh Tú (THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu) cho biết năm nay em thi được 23 điểm. “Năm ngoái trường lấy 21 điểm. Bạn bè em ai cũng bảo chắc chắn đậu vì có nhích cũng chỉ hơn 1, 2 điểm là tối đa. Nhưng hôm nay lên mạng xem, thứ hạng của em đã tụt xuống hơn mấy trăm bậc. Em định sẽ nộp hồ sơ vào một trường khác vì số điểm này khả năng là không vào được.”

Chú Nguyễn Văn Sang P 13, Q. Tân Bình và con gái mệt mỏi chờ rút hồ sơ

Cùng chung tâm trạng với Ngọc Loan là em Nguyễn Thị Hoa (Đồng Tháp). Hoa chia sẻ: “Em thi được 22,75 điểm, vượt mức điểm chuẩn vào trường năm ngoái gần 2 điểm. Nhưng còn tới 3 ngày nữa mới hết hạn nộp hồ sơ, em rất lo các bạn điểm cao bây giờ mới nộp. Mọi năm thi xong rồi, ai đậu ai rớt đều rõ ràng. Năm nay thi xong, chúng em còn khổ hơn cả lúc chưa thi”.

Anh Trần Văn Hiền nhờ em học sinh chỉ giúp cách làm thủ tục thay con gái

 

Nguy cơ quá tải nộp hồ sơ ngày cuối

“Chỉ còn 3 ngày nữa là kết thúc thời gian đăng ký xét tuyển đợt 1. Thay vì nộp từ đầu, nhiều em quyết định chọn ngày 20, là ngày cuối cùng mới nộp hồ sơ để đảm bảo kết quả chắc chắn. Thực tế, với những em điểm cao, ở ngưỡng an toàn thì không đáng lo ngại. Nhưng các em nên nộp hồ sơ vào ngày 18, 19 để tránh những rủi ro có thể gặp phải. Nguyên tắc đầu tiên là tìm ngành yêu thích, phù hợp với mức điểm. Tuyệt đối không nên chọn đại ngành nào đó để được học Đại học”.

 TS TRẦN THẾ HOÀNG (Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm