Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2915. Ảnh: Huyền Vi
Thí sinh sẽ nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi theo số thứ tự từ 1 đến 4.
Xét tuyển nguyện vọng I: Thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi số 1 dùng để xét tuyển nguyện vọng I để đăng ký vào 1 trường ĐH hoặc CĐ, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4; Trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng I, nếu cần thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác.
Các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau; Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I, không được đăng ký ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Xét tuyển các nguyện vọng bổ sung: Thí sinh có thể dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4; Các nguyện vọng (từ 1 đến 4 trong một trường) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau.
Trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo; Thí sinh đã trúng tuyển vào trường, không được tham gia xét tuyển ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo.
Hồ sơ ĐKXT bao gồm: Phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, được đăng ký 4 ngành của một trường cho mỗi đợt xét tuyển, các nguyện vọng được xếp thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Mỗi nguyện vọng cần chỉ rõ ngành đăng ký xét tuyển và tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển; Bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi ghi rõ đợt xét tuyển và điểm của tất cả các môn thi mà thí sinh đã đăng ký dự thi có đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi; 1 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh.
Trước mỗi đợt xét tuyển, thí sinh sẽ được các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử chỉ tiêu của các ngành hoặc nhóm ngành (gọi chung là ngành) đối với đợt xét tuyển đó.
Trong quá trình đăng ký xét tuyển từng đợt thi, thí sinh có thể theo dõi lượng hồ sơ đăng ký vào các trường trên trang web của trường để tránh phải di chuyển nhiều. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ít nhất mỗi ngày một lần phải cập nhật thông tin đăng ký xét tuyển (gồm danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển và danh sách các thí sinh rút hồ sơ đăng ký xét tuyển) vào hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia và nhận dữ liệu của thí sinh từ hệ thống để xét tuyển.
Trong thời gian nhận hồ sơ của một đợt xét tuyển, ba ngày một lần, các trường công bố trên trang thông tin điện tử của mình danh sách các thí sinh đã đăng ký theo từng ngành và xếp theo kết quả thi từ cao đến thấp.